Hội thảo "Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học"

Thứ ba, 26/12/2023 17:02
(ĐCSVN) - Vừa qua tại Trung tâm văn hóa Athens (Quận 7, TP. Hồ Chí Minh), Viện Phát triển Giáo dục Việt Nam (VIED) đã tổ chức Hội thảo với chủ để "Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học.
GS.TS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Viện Phát triển Giáo dục Việt Nam (VIED) phát biểu Khai mạc Hội thảo. 

Hội thảo có sự tham gia của 30 chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị: Viện Phát triển Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Sài Gòn, Đại học FPT, Đại học Hùng Vương, Đại học Tây Đô, Đà học Trà Vinh, Đại học Tây Nguyên, Đại học Văn Hiến, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Chi hội Văn nghệ Dân gian Tây Ninh, v.v..

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Viện phát triển Giáo dục Việt Nam cho biết: Nghệ thuật là một bình diện quan trọng của đời sống văn hóa, mang tính trải nghiệm; trải nghiệm nghệ thuật chính là trải nghiệm hương vị cuộc sống. Từ thuở bình minh nhân loại, nghệ thuật hình thành với nền tảng nghệ thuật vị nhân sinh, tức dùng nghệ thuật để góp phần xây dựng cuộc sống. Khổng Tử từng xếp Nhạc (một thể hiện của nghệ thuật cổ đại) sau Lễ trong Lục nghệ (Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số), coi Nhạc cũng là Lễ và lấy Lễ và Nhạc làm khuôn vàng thước ngọc để giáo hóa cá nhân và xã hội. Nghệ thuật cổ đại chưa thể bước ra khỏi thế giới nghi lễ (nghi lễ tâm linh/nghi lễ xã hội), và vì thế chúng chưa thể được thăng hoa hoàn chỉnh trong thế giới tinh thần.” 

Ở phương Tây, Pythagore thời cổ đại cũng từng đánh giá rằng nghệ thuật chính là công cụ cân bằng cuộc sống thông qua liệu pháp tinh thần. Khi nghệ thuật phát triển đa dạng hơn về loại hình (nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật diễn xướng) và chức năng (vượt lên trên chức năng giáo dục), nghệ thuật đã trở thành món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội. Đến các thế kỷ 18-19 về sau, khi khoa học xã hội càng phát triển, bộ môn Ký hiệu học ra đời, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của nghệ thuật học.

Cùng với những nghiên cứu của các nhà khoa học thế kỷ 19, họ cho rằng đơn nguyên cơ bản của nghệ thuật là hệ thống các ký hiệu (ngôn từ, giai điệu, đường nét, mô típ, hình dáng, màu sắc. v.v.) được mã hóa để chứa đựng các thông điệp cụ thể trong thế giới nghệ thuật nhằm “giao tiếp” với người giải mã. Hai tác giả Saussure và Hjelmslev dựa trên nguyên tắc nhị nguyên cơ bản (mã hóa và giải mã ký hiệu nghệ thuật) để tổng hợp thành trường phái Semiology (Ký hiệu học). Đến giữa thế kỷ 20 về sau, khi các nhà khoa học chú trọng vai trò người diễn giải cũng như sự chi phối của bối cảnh xã hội đương thời của người diễn giải/tiếp nhận nghệ thuật, ký hiệu học (semiotics) đã phát triển thêm một giai đoạn mới – giai đoạn tam nguyên phân lập, với các tên tuổi Charles Peirce, Juri Lotman...; đó cũng là lúc Nghệ thuật học phát triển thành thục. Đó chính là lúc nhân loại khẳng định rằng, nghệ thuật không chỉ để phục vụ nhân sinh mà nghệ thuật còn phát triển vì chính bản thân nó (nghệ thuật vị nghệ thuật).

PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng, Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) trình bày tham luận “Hệ thống giá trị với các giải pháp hiệu quả của giáo dục nghệ thuật trong trường phổ thông và đại học ở Việt Nam”  

Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học vừa là một con đường định hướng nhân sinh (các chức năng giáo dục thẩm mỹ, giáo dục đạo đức, duy trì trật tự-ổn định xã hội, chức năng gìn giữ và trao truyền bản sắc/truyền thống văn hóa, v.v. – giáo dục qua nghệ thuật) còn có chức năng thúc đẩy năng lực cảm thụ và sáng tác/trình diễn/tiếp cận nghệ thuật (giáo dục nghệ thuật), qua đó có hướng tới sự thăng hoa trong thế giới tinh thần. Vì thế giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học là hết sức quan trọng.

Ở phương Tây, nghệ thuật được đưa vào giảng dạy thành môn bắt buộc từ cấp tiểu học với tính chất đa dạng hóa sự lựa chọn tùy vào năng khiếu và sở thích học sinh (nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, một số loại hình thể dục – thể thao mang tính nghệ thuật/thẩm mỹ). Học sinh được duy trì rèn luyện/tập luyện xuyên suốt các bậc phổ thông, cho đến khi vào đại học thì trở thành một dạng thức kỹ năng/năng khiếu tự thân của sinh viên. Người Pháp đặc biệt coi trọng năng lực cảm thụ, đánh giá hoặc trình diễn/trình bày nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, kịch nghệ) là một tiêu chí quan trọng trong đào tạo và tuyển dụng nhân sự.

Ở Việt Nam, giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông bắt đầu áp dụng hơn một thập kỷ qua, riêng ở cấp đại học cũng manh nha đào tạo ở các trường đại học tư thục không chuyên như FPT, Fulbright trong vài năm trở lại đây. Bước đầu thực hiện chương trình giáo dục đặc biệt này còn nhiều bỡ ngỡ, bất cập, ở cả hai khía cạnh lý luận – phương pháp và kinh nghiệm thực tiễn.

Xuất phát từ cơ sở này, Viện Phát triển Giáo dục Việt Nam mời gọi một số nhà khoa học và chuyên gia giáo dục nghệ thuật viết tham luận và tham gia thảo luận các vấn đề cụ thể:

(1) Vai trò, ý nghĩa, mục tiêu của giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học (khối không chuyên);

(2) Phương pháp luận và phương pháp giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học;

(3) Loại hình, thang đo hiệu quả giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học;

(4) Giáo dục nghệ thuật dân tộc trong nhà trường phổ thông và đại học...;

Tại Hội thảo đã lắng nghe 12 tham luận báo cáo của các chuyên gia, nhà khoa học phân thành 2 tiểu ban: (1) Một số vấn đề lý luận của giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học; và (2) một số kinh nghiệm thực tiễn trong giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học.

 Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo Khoa học

Các tác giả đã nhấn mạnh rằng giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học khối không chuyên là hết sức cần thiết để thúc đẩy mục tiêu giáo dục trí, đức, thể, mỹ cho học sinh, sinh viên, nó không thể góp phần thúc đẩy giáo dục đạo đức, lối sống cá nhân và xã hội mà còn còn tăng cường khả năng cảm thụ/đánh giá/trình diễn hoặc sáng tạo nghệ thuật, qua đó tăng cường năng lực lựa chọn văn hóa và cảm thụ cuộc sống tốt hơn. Một số tham luận trình bày kinh nghiệm thực tiễn trong giáo dục nghệ thuật âm nhạc dân tộc (qua một số nhạc cụ) ở Đại học FPT, giáo dục nghệ thuật dân tộc Khmer ở Đại học Trà Vinh, giáo dục truyền thống nghệ thuật dân tộc trong cộng đồng Khmer ở Tây Ninh, hiệu quả giáo dục nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên ở Địa học Tây Nguyên, v.v.. Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học đòi hỏi khung chương trình hợp lý với đa dạng hóa loại hình nghệ thuật phù hợp với năng khiếu và thị hiếu HSSV, cần phải có hệ thống cơ sở vật chất hoàn thiện và nhất là đội ngũ giáo viên giảng dạy phải am hiểu nghệ thuật và phương pháp sư phạm đặc thù của giáo dục nghệ thuật. Người giảng dạy phải nhận diện sự khác biệt có tính tương tác nhau giữa giáo dục nghệ thuật và giáo dục qua nghệ thuật, giữa nghệ thuật truyền thống và các trào lưu văn hóa đương đại, giữa bảo tồn nguyên vẹn bản chất, thuộc tính và giá trị nghệ thuật truyền thống và cải biên nghệ thuật, v.v. để tránh truyền dạy một sản phẩm nghệ thuật thiếu hoàn chỉnh trong hệ thống giáo dục đương đại. Các đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất những lần hội thảo tiếp theo sẽ thảo luận trực tiếp các vấn đề mới như khung chương trình và các nội dung cụ thể của sách giáo khoa về nghệ thuật, phương pháp luận và phương pháp giáo dục nghệ thuật dân tộc trong nhà trường, kinh nghiệm khu vực và thế giới trong giáo dục nghệ thuật, .../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực