Nâng hiệu quả xúc tiến đầu tư vào thị trường lớn, trọng điểm

Thứ sáu, 25/11/2022 14:07
(ĐCSVN) - Nhằm tiếp tục thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường từ các nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia, Vĩnh Phúc đã linh hoạt đổi mới, sáng tạo trong hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT), nhất là các thị trường lớn, trọng điểm. Qua đó, quảng bá hình ảnh, vị thế của tỉnh đối với các nhà đầu tư.

Thực hiện chương trình XTĐT năm 2022, mới đây, Đoàn công tác của tỉnh đã tổ chức thành công XTĐT tại các nước: Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… là những quốc gia có số dự án, vốn đầu tư vào Vĩnh Phúc lớn. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện quảng bá môi trường, XTĐT tại Cộng hoà Liên bang Đức và hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ Australia, New Zealand, Italia, Hoa Kỳ…

leftcenterrightdel
Nhật Bản là một trong các đối tác đầu tư mạnh vào Vĩnh Phúc (Ảnh: PV) 

Trước đó, từ năm 2019, tỉnh đã xây dựng và thiết kế mới bộ tài liệu XTĐT của tỉnh, sử dụng 5 ngôn ngữ: Tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn và Trung phục vụ cho các hoạt động XTĐT và đối ngoại. Bộ tài liệu đã được các Đại Sứ quán Việt Nam tại các nước: Nga, Đức, Italia, Ấn Độ, Nam Phi, UAE đánh giá cao về chất lượng nội dung và thiết kế. Ngoài ra, tỉnh đã in hàng nghìn đĩa DVD giới thiệu quy hoạch chung của tỉnh để cung cấp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh chuyển biến nhanh của kinh tế trong nước, thế giới và ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tỉnh đã nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, đổi mới, sáng tạo công tác XTÐT, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo ra sức hấp dẫn mới. Theo đó, linh hoạt chuyển mạnh sang quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư qua kênh ngoại giao thông qua các diễn đàn, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức XTÐT của nước ngoài tại Việt Nam.

Theo thống kê, những tháng đầu năm 2022, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, tỉnh đã đổi mới cách thức vận hành bộ máy XTÐT qua việc đa dạng hóa các kênh như: Internet, ngoại giao, giảm trao đổi trực tiếp, tăng trao đổi trực tuyến. Khi tình hình dịch trên địa bàn cơ bản ổn định và chủ trương của Chính phủ về thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng kinh tế và văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Vĩnh Phúc năm 2022”; Diễn đàn Hợp tác Phát triển kinh tế Vĩnh Phúc - Nhật Bản… Tiếp đón và làm việc với 15 đoàn các nhà đầu tư từ các nước: Anh, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan,... đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh và ký kết ghi nhớ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức.

Song song, tỉnh duy trì thường xuyên chương trình “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ với doanh nhân hằng tuần” vào chiều thứ 6 tại trụ sở UBND tỉnh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các DN, lắng nghe ý kiến tham vấn, đề xuất của DN về những cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư; tổ chức các Đoàn công tác của tỉnh thăm nắm tình hình hoạt động của DN bằng nhiều kênh khác nhau; hướng dẫn các nhà đầu tư tiềm năng khảo sát địa điểm, thủ tục đầu tư... để mời gọi, thu hút dự án đầu tư mới, như: Dự án Trung tâm logistic ICD Vĩnh Phúc (SuperPort Vĩnh Phúc), Dự án xây dựng nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng của Tập đoàn MASAN; dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN của tập đoàn WHD.

leftcenterrightdel
 Thu hút đầu tư góp phần vào sự phát triển tích cực của tỉnh (Ảnh: PV)

Cũng theo thống kê, tính đến hết tháng 9/2022, Vĩnh Phúc có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh với 442 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 7,3 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư có dự án lớn đang hoạt động hiệu quả và rất thành công tại tỉnh trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, sản xuất ô tô, xe máy. Tiêu biểu như Công ty TNHH Cammsys Việt Nam, Tập đoàn YSL(Hàn Quốc); Tập đoàn YCH, Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Việt Nam, Công ty CPK (Singapore), Công ty ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Công ty Piaggio Việt Nam (Italia), Công Ty TNHH De Heus (Hà Lan)...

10 tháng năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 28.400 tỷ đồng, đạt hơn 89% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 3% so với cùng kỳ; các DN FDI trong KCN đã thu hút và tạo việc làm cho hơn 116 nghìn lao động, trong đó, hơn 76 nghìn lao động là người tại Vĩnh Phúc, chiếm 66% tổng số lao động.

Hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiện, tỉnh đã và đang ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao; chú trọng thu hút vốn FDI từ các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ châu Âu, Hoa Kỳ; tổ chức đoàn công tác XTĐT ở một số nước như: Đức, Pháp, Ý. Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN bị tác động ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực