Vĩnh Phúc không ngừng phát triển xứng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ năm, 30/11/2023 14:44
(ĐCSVN) – “Làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” là lời căn dặn Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho tỉnh khi thăm và làm việc với Đảng bộ, Nhân dân nơi đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, vị lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Người luôn hết lòng vì nhân dân, quan tâm đến đời sống của nhân dân. Mỗi khi có dịp, Người đều sắp xếp công việc dành thời gian thăm hỏi tình hình thực tế đời sống của nhân dân khắp cả nước. Vĩnh Phúc là một tỉnh đã vinh dự được đón Bác về thăm, động viên và chỉ đạo công việc. Trong đó có những lần Người báo trước khi về thăm, có lần về đột xuất, lại có những lần Người đi công tác ngang qua nhưng đã dành một phần thời gian để nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

8 lần Bác Hồ về thăm và làm việc với Vĩnh Phúc  (Ảnh tư liệu)

Những chuyến thăm và làm việc của Bác Hồ tại Vinh Phúc

Lần đầu tiên Bác về thăm Tam Đảo là sáng ngày 19/5/1955 ngày sinh lần thứ 65 của Người. Ở đây Người đến thăm, kiểm tra, động viên cán bộ, công nhân viên đang ngày đêm hàn gắn vết thương chiến tranh trên vùng đất Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Người đã vượt gần 100 cây số, trong đó có hàng chục cây số đường núi cheo leo để lên Tam Đảo, không phải để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng mà Bác lên như nhắc nhở: Tam Đảo phải xây dựng sao cho xứng đáng là khu nghỉ mát do chúng ta làm nên trên đống hoang tàn của chiến tranh, làm sống lại những vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.

Sáng ngày 12/2/1956 (tức ngày mồng 1 Tết năm Bính Thân), Bác từ công trường xây dựng cầu Việt Trì về thăm Bình Xuyên. Cụ thể, Bác đã về thăm và chúc Tết nhân dân thôn Yên Định, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên. Về đây, Bác nói chuyện với bà con nông dân, Bác khuyên mọi người đoàn kết để tăng gia sản xuất, muốn vậy phải vào tổ đổi công, phải tương trợ nhau sản xuất… Được đón Bác vào ngày mồng 1 tết nguyên đán, là niềm vui lớn không phải nơi nào cũng có. Và Yên Định - Tân Phong, một xã có nhiều thành tích kháng chiến đã có được hạnh phúc lớn lao ấy.

Riêng năm 1958, năm bắt đầu thực hiện cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế, trong đó có nông nghiệp, Bác đã về Vĩnh Phúc 3 lần: Tháng 1/1958 Bác về thăm bà con Đông Anh ( lúc đó vẫn thuộc Vĩnh Phúc) Bác đã động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Đông Anh chống hạn cứu lúa chống hạn cứu lúa;

 Bí thư Tỉnh ủy  Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cùng đoàn công tác của tỉnh chăm lo, động viên mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách trên địa bàn với phương châm "không bỏ ai lại phía sau" (Ảnh: VP)

Lần thứ hai ngày 30/3/1958, Bác về thăm hợp tác xã Lai Sơn, xã Cộng Hòa, Tam Dương (nay là phường Đồng Tâm, thị xã Vĩnh Yên). Hợp tác xã Lai Sơn tuy mới xây dựng nhưng việc quản lý và điều hành sản xuất tốt nên đã phát huy được tác dụng của cách làm việc tập thể. Vì vậy đã được Bác tặng Huy hiệu cho hai cán bộ địa phương;

Lần thứ ba là tháng 12/1958 Vĩnh Phúc lại được vinh dự to lớn đón Bác về thăm. Bác đã về thăm thị xã Phúc Yên, thăm các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc, thăm một đơn vị quân đội đóng tại Thành Trắng, thăm lớp tập huấn bồi dưỡng chủ nhiệm và kế toán hợp tác xã nông nghiệp, tại đây Bác đã nói chuyện thân mật với cán bộ, đảng viên.

Ngày 25/1/1961, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường.Nói chuyện với nhân dân, Bác khen ngợi Lạc Trung nói riêng, Bình Dương nói chung, nhưng cũng nhắc nhở, phê bình các nơi khác trong huyện Vĩnh Tường và tỉnh Vĩnh Phúc chưa trồng cây được như Lạc Trung. Bác nhấn mạnh trồng cây phải trở thành phong trào quần chúng rộng lớn mới có hiệu quả. Bác nói: một người trồng được 1.000 cây không bằng nhân dân cả xã mỗi người trồng 10 cây.           

Năm 1963, Bác về thăm Vĩnh Phúc hai lần: Lần thứ nhất vào ngày 2/3/1963 Bác về biểu dương tinh thần chống hạn của quân và dân Vĩnh Phúc. Bác nói chuyện với 16.000 cán bộ, Đảng viên, nhân dân và bộ đội trong cuộc mít tinh chào mừng Bác tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên. Ở đây, Người nói “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.           

Ngày 16/7/1963, lần thứ hai trong năm này, Bác về thăm tỉnh trong khi Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ III diễn ra từ ngày 13/7 đến ngày 20/7/1963, ngày 16/7/1963 Bác về thăm, nói chuyện với Đại hội. Bác nói “Bác chúc các cô, các chú làm được nhiều để làm cho Đảng bộ Vĩnh Phúc trở thành một trong những Đảng bộ khá nhất miền Bắc”. Đây cũng là lần cuối cùng Bác về thăm Vĩnh Phúc.

 Khu trung tâm Vĩnh Phúc nhìn tư trên cao (Ảnh: VP)

Cùng trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước, Vĩnh Phúc được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo nhằm thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế chung. Những chuyến thăm hỏi và những lời dặn dò, nhắc nhở của Bác Hồ mỗi khi về Vĩnh Phúc tạo thêm động lực to lớn cho tỉnh. Đó là việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng về kinh tế, văn hóa, giáo dục, về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo… “làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Để xứng đáng với lời căn dặn của Bác, trong những năm qua, Vĩnh Phúc luôn phấn đấu xây dựng, phát triển nền kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Năm 2018, Vĩnh Phúc có thu nhập bình quân đạt 86,50tr đồng/1 năm đứng thứ 8 trên toàn quốc. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc đạt 8,63 %, vượt năm trước 0,57%. Trong những năm gần đây, Vĩnh Phúc luôn nằm trong 10 tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cao trên toàn quốc. Hiện nay, Vĩnh Phúc được coi là tỉnh có sự thu hút đầu tư cao và được Đảng và Nhà nước coi là tỉnh phát triển khu công nghiệp, khu du lịch trọng điểm của cả nước.

Khắc ghi lời Bác, Vĩnh Phúc chăm lo đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn

Vận dụng và phát huy những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, Vĩnh Phúc đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phúc lợi cho nhân dân, đảm bảo mọi người đều được hưởng những thành quả của sự phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.

 Chăm lo đời sống của công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được chú trọng (Ảnh: VP)

Khắc ghi lời dạy của Người về công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân và lời căn dặn khi Bác về thăm Vĩnh Phúc “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”, bên cạnh những nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội luôn được Vĩnh Phúc xác định là nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu nhất quán, xuyên suốt là cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, tăng phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.

Ngay sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), một trong những chủ trương lớn đầu tiên của Vĩnh Phúc là xây dựng nghị quyết về việc thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đưa công tác này trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Qua các thời kỳ, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân ngày càng được tỉnh chú trọng và đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; hệ thống các chính sách an sinh xã hội của tỉnh ngày càng đồng bộ và hoàn thiện trên các lĩnh vực, nguồn lực không ngừng tăng.

Năm 2019, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 33 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Theo đó, chính sách an sinh xã hội được tỉnh triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng (y tế, giáo dục, dạy nghề...); hỗ trợ sản xuất (thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm...); phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nêu rõ một trong những định hướng phát triển của Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025 là: “Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội".

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, ngày 12/2/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12 về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến 2030 với quan điểm: Không ngừng cải thiện, nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh và toàn xã hội...

Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác an sinh xã hội, từ khi tái lập tỉnh đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 30 nghị quyết về an sinh xã hội và hiện nay có 15 nghị quyết còn hiệu lực, đang được triển khai, thực hiện trên toàn tỉnh.

Các nghị quyết về an sinh xã hội do HĐND tỉnh ban hành phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền, điều kiện thực tiễn của tỉnh, có tính đột phá riêng, diện bao phủ ngày càng mở rộng và đi vào cuộc sống. Qua đó, đã tạo điều kiện để người dân cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao thu nhập.

 Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhận cup Top 10 PCI năm 2021 (Ảnh: VP)

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vĩnh Phúc vẫn luôn ưu tiên nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội và chương trình giảm nghèo, tập trung cho khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số, mở rộng các chính sách hỗ trợ đối tượng cận nghèo và mới thoát nghèo.

Hiện nay, mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh cao hơn 1,24 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội do Trung ương quy định và nằm trong 4 tỉnh, thành phố có mức chuẩn trợ giúp xã hội cao nhất cả nước. Toàn tỉnh có hơn 43.800 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng; hơn 1.600 người cao tuổi từ đủ 70 đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có lương hưu được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Trung bình mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm mới cho hơn 24.000 lượt lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh nguồn vốn ưu đãi theo hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, tỉnh thực hiện ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình an sinh xã hội…

Vận dụng và phát huy những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân; quan tâm dành nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực an sinh xã hội; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đồng bộ, nhất là các chính sách về tạo việc làm, bảo đảm thu nhập cho người dân, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng và vùng đặc thù…

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực