35 năm giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (24/3/1975-24/3/2010): Nở hoa trên vùng đất khô cằn

Thứ tư, 24/03/2010 09:38

  
         Lễ mít tinh 35 năm giải phóng tỉnh Quảng Ngãi
                      (ảnh: Quangngai.gov.vn)
 
Một trong những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi sau 35 năm ngày giải phóng là việc đưa vùng đất khô cằn các xã phía đông huyện Bình Sơn trở thành một khu kinh tế lớn của cả nước.

Đó là Khu Kinh tế Dung Quất. Khu Kinh tế Dung Quất hình thành đã tạo động lực để Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung phát triển công nghiệp. Khu Kinh tế Dung Quất trở thành điểm sáng thu hút đầu tư của cả nước.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, các xã khu đông Bình Sơn- Quảng Ngãi là vùng chiến tranh ác liệt. Sau ngày giải phóng đã im tiếng súng, nhưng người dân ở đây lại bắt tay vào cuộc chiến mới - cuộc chiến chống đói nghèo. Là vùng đất khô cằn, miền cát bao la nên người dân vẫn không sao thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Tuy nhiên, sau khi được Chính phủ chọn nơi đây xây dựng Khu Công nghiệp Dung Quất - nay là Khu Kinh tế Dung Quất, cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện và họ tự hào rằng trên quê hương đã hình thành một khu kinh tế lớn của Việt Nam. Đây còn là niềm tự hào của tỉnh Quảng Ngãi sau 35 năm giải phóng.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn/năm, khi hoàn thành sẽ đáp ứng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước. Ngày 22/2/2009 vừa qua, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã cho ra sản phẩm đầu tiên. Đây là niềm tự hào và là mốc son mới của ngành dầu khí Việt Nam. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động như thỏi nam châm thu hút nhiều dự án qui mô lớn đến đầu tư tại Khu Kinh tế.

Trong đó phải kể đến, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chính thức đưa vào sử dụng. Tổ hợp Công nghiệp nặng Doosan Vina có tổng diện tích 110ha với vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Tổ hợp công nghiệp nặng này chuyên thiết kế và sản xuất các sản phẩm công nghiệp nặng như lò hơi cho nhà máy nhiệt điện, lò hơi thu hồi nhiệt, cần trục quay, thiết bị xử lý hóa chất, robot, turbin nhà máy phát điện, nhà máy khử nước mặn và các bộ phận của nhà máy phát điện. Đây là dự án nước ngoài đầu tư có quy mô lớn nhất về công nghiệp nặng tại Việt Nam.

Hiện nay, Doosan Vina đã thu hút khoảng 3.000 lao động, trong đó chủ yếu sử dụng nguồn lao động tại địa phương Quảng Ngãi. Với những đơn hàng đã ký với khách hàng, trong năm 2009, Doosan Vina đã sản xuất đạt giá trị 200 triệu USD và mới đây đầu năm 2010, Công ty Doosan đã xuất 7 trục cần cẩu sang Indonesia với giá trị hơn 7,5 triệu USD. Cùng với Công ty Doosan Vina, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất là một trong những công ty lớn nhất của Tập đoàn Đóng tàu Việt Nam. Những ngày này đội ngũ kỹ sư, công nhân Nhà máy Đóng tàu Dung Quất gấp rút hạ thủy chiếc tàu 104.000 tấn.

Khu kinh tế Dung Quất ra đời cũng là cơ hội đối với những người bao đời trên vùng đất khô cằn này. Những người nhường đất cho việc xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất an tâm hơn khi con em của mình đã được làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy ngay trên mảnh đất của mình. Ông Nguyễn Bốn, một người dân ở Khu tái định cư Bình Đông, huyện Bình Sơn cho biết: “Gia đình tôi có 3 con đều được làm việc ở các xí nghiệp, nhà máy trong KT Dung Quất”.

Đối với thế hệ trẻ, Khu Kinh tế Dung Quất cũng là cơ hội để họ “ly nông bất ly hương”. Trong đó có những em được đào tạo ngành nghề bài bản và đang làm việc tại đây. Hàng ngàn bạn trẻ đang xây ước mơ tại đây. Kỹ sư Trần Quang Tuấn đang làm việc tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết, được làm việc trong Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là điều kiện thuận lợi để con em của Quảng Ngãi tiếp cận được công nghệ tiên tiến…

Có thể nói việc hình thành Khu kinh tế Dung Quất đã làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông trở thành là tỉnh công nghiệp trong vùng trọng điểm miền Trung và của cả nước. Chính nhờ công nghiệp phát triển, trọng tâm là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đưa vào hoạt động nên năm 2009, Quảng Ngãi là 1 trong 7 tỉnh, thành phố có mức thu ngân sách cao nhất cả nước. Năm 2009, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp- dịch vụ.

  

Việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu ở Khu Kinh tế Dung Quất là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đến nay, tại Khu Kinh tế Dung Quất đã cấp giấy phép đầu tư cho 112 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 120.000 tỷ đồng tương đương khoảng 10,6 tỷ USD, trong đó tổng vốn đăng ký đầu tư đã thực hiện là hơn 4 tỷ USD; chấp nhận đầu tư cho 28 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 43.000 tỷ đồng. Hiện có 51 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép quy hoạch mở rộng Khu Kinh tế Dung Quất từ 10.300ha lên hơn 45.000ha.

Việc hình thành Khu Kinh tế Dung Quất là một thành tựu phát triển kinh tế của Quảng Ngãi sau 35 năm giải phóng. Vùng đất khô cằn năm xưa nay đã nở hoa./.

Ngày này 35 năm trước:

Ngày 24/3/1975 - Tam Kỳ được giải phóng

Ngày 24/3/1975, thị xã Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam cũ) được giải phóng.

Thị xã này vốn là một căn cứ quân sự lớn của Mỹ, có hệ thống bố phòng kiên cố. Trước sức tiến công của quân ta, quân địch ở đây đã tăng thêm lực lượng phòng thủ.

Từ ngày 23/3, Trung đoàn Ba Gia được tăng cường 2 tiểu đoàn và 10 xe tăng, xe bọc thép, đánh hướng chủ yếu, đột kích tuyến ngăn chặn của địch từ Suối Đá đến bờ bắc sông Tam Kỳ.

Ban chỉ huy Sư đoàn 2, Liên đoàn 12 biệt động quân ngụy và ngụy quyền (tiêu khu Quảng Tín) hốt hoảng tháo chạy.

Từ các bàn đạp đã chiếm được, quân ta tiến nhanh vào trung tâm thị xã Tam Kỳ.

Cùng ngày 24/3/1975, ta còn giải phóng thị xã Gia Nghĩa.

** Từ sáng 25/3, Trung đoàn 576 Pháo binh của ta nã vào các mục tiêu địch. Hai Tiểu đoàn (403 và 406) của Đặc công Quân khu 5, Tiểu đoàn 7 bộ đội địa phương tỉnh được sự chi việc của xe tăng, xe bọc thép, đồng loạt đánh các mục tiêu ở vùng ven và tiến vào thị xã.

Ở phía Bắc, Trung đoàn 94 bộ đội tỉnh cùng lực lượng vũ trang huyện tiến công các vị trí phòng thủ của liên đoàn 1 biệt động quân ngụy, cắt đường số 1 (đoạn từ Sơn Tịnh đi Bình Sơn), chặn đường rút chạy của địch về Chu Lai. Hơn 4.000 tên địch còn lại bỏ thị xã Quảng Ngãi tháo chạy. Đoàn xe địch gồm hơn 200 chiếc chạy trên đường số 1 về hướng Chu Lai. Trung đoàn 94 và lực lượng vũ trang địa phương đã tổ chức trận địa mai phục, diệt gọn cánh quân này, bắt 3.500 tên, diệt 550 tên, thu và phá hủy 206 xe quân sự.

Từ nhiều hướng, bộ đội ta tiến vào chiếm các mục tiêu trong thị xã Quảng Ngãi.

Chiều và đêm 24, rạng sáng ngày 25/3, quân và dân các huyện trong tỉnh Quảng Ngãi đồng loạt tiến công, kết hợp với nổi dậy đánh chiếm quận lỵ, giải phóng các xã./.

Theo Ngày này năm xưa, NXB Lao Động 1998

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực