Đồng hành cùng doanh nghiệp sau đại dịch

Thứ tư, 17/08/2022 10:05
(ĐCSVN) - Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đánh giá Bình Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho NLĐ cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch. Qua đó cho thấy nỗ lực quyết tâm rất lớn của của cả hệ thống chính trị tỉnh nhằm phục hồi kinh tế - xã hội.
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Hoàng Linh) 

Ngày 16-8, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Đoàn giám sát Ủy ban Xã hội của Quốc hội do ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết số 30) của Quốc hội và các biện pháp cấp bách liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, để thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Trung ương trong công tác phòng, chống dịch, tỉnh đã khẩn trương, quyết liệt ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, triển khai phù hợp với quy định và tình hình thực tế của địa phương. Từ đó từng bước kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế.

Về công tác tiêm chủng, tỉnh đã thực hiện thành công chiến lược vắc xin "đi sau về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Kết quả đến nay, Bình Dương đã triển khai tiêm được 7.112.707 liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó mũi 1: 2.777.949 liều, mũi 2: 2.378.538 liều, mũi 3: 1.684.658 liều và mũi 4: 271.562 liều.

Toàn ngành Y tế hiện có 8.880 nhân viên y tế với tỷ lệ 7,51 bác sĩ/10.000 dân, 1,69 dược sĩ/10.000 dân và tỷ lệ nhân viên y tế là 33,2 cán bộ y tế/10.000 dân. Hiện số giường bệnh đạt 5.172 giường (số giường kế hoạch/vạn dân là 20,3 giường), các tỷ lệ và chỉ tiêu này còn thấp so với mục tiêu của Bộ Y tế đề ra năm 2020 là 9 bác sĩ và 25 giường bệnh/vạn dân.

Để bảo đảm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì triển khai các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương; chính sách hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ; hỗ trợ cho người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động khi doanh nghiệp trở lại sản xuất, Bình Dương đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tỉnh đã thành lập các đoàn kết nối với các địa phương để thu hút lao động trở lại làm việc sau đại dịch, làm việc với các doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ cho người lao động (NLĐ)…

Tính đến tháng 01/2022 có trên 950.000 lao động trở lại Bình Dương làm việc (đạt tỷ lệ 90,1% so với tháng 5/2021) tại 18.000 đơn vị sử dụng lao động. Theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, thị trường lao động trong quý III, IV tiếp tục có xu hướng nhu cầu tuyển dụng lớn hơn nguồn cung lao động, dự kiến cần khoảng 40.000 - 50.000 lao động để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để thực hiện các đơn hàng đã ký kết, đơn hàng mới trong năm 2022. Hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều thuộc Vùng I (mức lương 4.680.000 đồng/tháng), như vậy NLĐ làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ được hưởng mức lương không thấp hơn 4.680.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 22.500 đồng/giờ. Với ưu thế này, Bình Dương sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hút nguồn lao động nếu các doanh nghiệp có chính sách tiền lương và chế độ phúc lợi đảm bảo đời sống cho công nhân lao động.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Đặng Thuần Phong đánh giá, các sở, ngành liên quan đã giải trình làm rõ các thông tin mà Đoàn giám sát đặt ra. Đoàn ghi nhận những vấn đề kiến nghị của tỉnh và sẽ có báo cáo cụ thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.Đoàn đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh và quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh tập trung cho công tác phục hồi kinh tế - xã hội.

Đoàn kiến nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt để trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ tham gia Bảo hiểm y tế tự nguyện cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo; các ngành phối hợp, kết nối thông tin nắm rõ nhu cầu NLĐ, xu hướng thị trường lao động và nghiên cứu các chính sách cụ thể thu hút NLĐ; nghiên cứu các chính sách sau đại dịch về sức khỏe, nhà ở, thiết chế văn hóa vui chơi cho NLĐ. Đặc biệt cần có chính sách phòng, chống tái nghèo sau đại dịch./.

PV(T/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực