Huy động nguồn lực thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng

Thứ sáu, 27/10/2023 21:26
(ĐCSVN) – Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), tiếp thu những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, phối hợp chặt chẽ với Nhóm các đối tác quốc tế, vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 để triển khai thành công Tuyên bố JETP.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BL 

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện kế hoạch huy động nguồn lực triển khai tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Triển khai Tuyên bố JETP, ngày 31-8-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP tại Quyết định số 1009/QĐ-TTg. Theo nội dung Tuyên bố JETP, Việt Nam cần phối hợp với các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Kế hoạch huy động nguồn lực là bước đầu tiên triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, sẽ tiếp tục được rà soát điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Thông qua Tuyên bố JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, củng cố hạ tầng lưới điện, giáo dục và đào tạo, huy động tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện sinh khối, điện gió ngoài khơi…

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, tiếp thu những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, phối hợp chặt chẽ với Nhóm các đối tác quốc tế, các định chế tài chính và các Quỹ đầu tư tài chính khí hậu toàn cầu, Liên minh tài chính Glassgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 để triển khai thành công Tuyên bố JETP.

Hoàn thiện, thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng

Trong dự thảo mới nhất, Kế hoạch huy động nguồn lực tổng hợp 5 nhóm dự án đầu tư và 3 nhóm dự án hỗ trợ kỹ thuật. Danh mục được rà soát từ nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch, kế hoạch, chương trình đã được phê duyệt; nhu cầu xây dựng chính sách của các bộ, ngành trong thời gian tới để chuyển đổi năng lượng công bằng và đề xuất bổ sung của IPG, GFANZ và các bên có liên quan.

Dự thảo Kế hoạch cũng đề xuất các dự án ưu tiên thực hiện từ nay đến năm 2025 gồm các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định nhưng chưa huy động được vốn hoặc chưa được cấp đủ vốn được ưu tiên xem xét cấp vốn để thực hiện.

Trên cơ sở nhu cầu xây dựng chính sách của các bộ, ngành trong thời gian tới và đề xuất của IPG, GFANZ và các bên có liên quan, dự thảo đưa ra danh mục các hành động chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng trong giai đoạn 2024-2028, phân loại theo 8 nhóm nhiệm vụ và mức độ ưu tiên cần triển khai từ nay đến năm 2028.

Nguồn hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ JETP được sử dụng ưu tiên để xây dựng và thực hiện các hành động chính sách này. Bên cạnh đó là một số nội dung đề xuất ý tưởng triển khai các dự án thực hiện JETP.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã cùng góp ý để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định, dự thảo mới nhất đã phù hợp hơn với Quy hoạch Điện VIII, NDC và Chiến lược biến đổi khí hậu, giúp Việt Nam tập trung vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Đại diện UNDP đề xuất cần kêu gọi chính quyền cấp trung ương và cấp tỉnh lồng ghép các ưu tiên JETP vào các chiến lược, kế hoạch để triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiến hành cải cách chính sách để giúp phê duyệt nhanh chóng các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư bổ sung. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng cần xác định nhu cầu và dành kinh phí để thực hiện các đánh giá và hành động cần thiết về các khía cạnh "công bằng".

Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần tập trung hoàn thiện, thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng. Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải. Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; truyền thông, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng./.

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực