Ứng phó với bão Rai: Các địa phương lên kế hoạch sơ tán dân

Thứ sáu, 17/12/2021 11:01
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Báo cáo nhanh sáng 17/12 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 6h ngày 17/12, các địa phương đã lên kế hoạch sơ tán để đảm bảo an toàn cho 51.032 hộ/238.345 người tại các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản và khu vực ven biển.
 Ảnh minh họa (Nguồn: B.T)

Các địa phương lên kế hoạch sơ tán cho 51.032 hộ/238.345 người

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 17/12 đã thông báo cho 44.915 tàu/242.484 lao động của các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận biết diễn biến của bão. Tính đến hết ngày 16/12, đã có 4 địa phương có lệnh cấm biển gồm: Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các tỉnh còn lại dự kiến cấm biển vào ngày hôm nay (17/12), riêng Thừa Thiên Huế vào ngày 18/12.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Bộ Giao thông Vận tải, hiện có 373 tàu, phương tiện thủy nội địa đang hoạt động trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Quảng Bình đến Bình Thuận, đã được cung cấp các thông tin về bão.

Về tình hình nuôi trồng thủy sản, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận có tổng 18.599 ha nuôi trồng thủy sản và 177.592 lồng bè. Trong đó, một số tỉnh có số lượng lớn gồm Phú Yên: 3.390 ha và 81.177 lồng bè; Khánh Hòa: 2.014 ha và 87.409 lồng bè; Thừa Thiên Huế: 3.089ha và 2.000 lồng bè. Các địa phương đã chỉ đạo việc gia cố, chằng néo, di dời, sẵn sàng phương án đưa dân dân lên bờ để đảm bảo an toàn.

Tại một số đảo, tổng số dân trong khu vực nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão gồm: 51.990 người, trên 4 đảo lớn gần bờ (Cồn Cỏ, Quảng trị: 500 người; Cù Lao Chàm, Quảng Nam: 2.091 người; Lý Sơn, Quảng Ngãi: 22.174 người;  Phú Quý, Bình Thuận: 27.225 người). Hiện nay các địa phương đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền cũng như người dân trên các đảo; việc dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết đã được đảm bảo. Trong trường hợp bão đổ bộ, người dân sẽ được sơ tán xen ghép tại các nhà kiên cố trong dân hoặc di chuyển đến các trụ sở cơ quan, công trình công, doanh trại quân đội.

Đi lại ra các đảo: Cồn Cỏ, Quảng Trị; Cù Lao Chàm, Quảng Nam; Lý Sơn, Quảng Ngãi theo lệnh cấm biển của địa phương (Quảng Trị từ 19h00/17/12, Quảng Ngãi từ 17h00/17/12, Quảng Nam 0h00/17/12, Bình Thuận dự kiến từ ngày 17/12).

Đáng chú ý, trong khu vực có 15 dàn khoan trên biển, có quy mô lớn với hàng nghìn lao động. Các nhà giàn cần rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Để ứng phó bão, các địa phương trong khu vực dự kiến kế hoạch sơ tán đảm bảo an toàn cho 51.032 hộ/238.345 người tại các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản và khu vực ven biển có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão. Hiện các địa phương tiếp tục rà soát cập nhật cho phù hợp với diễn biến của bão.

Quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn

Rai là cơn bão rất mạnh, do đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai.

Trong đó, trên tuyến biển, cần theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão; quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, thông báo, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm tàu cá, tàu vận tải, tàu công trình) để di chuyển phòng tránh hoặc về nơi tránh trú an toàn; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú, đi đôi với các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng dịch COVID -19.

Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu, triển khai công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên biển và ven biển, tuyệt đối không để người lao động, ngư dân ở lại trên tàu, lồng bè khi bão đổ bộ. Đồng thời, tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão cho tàu thuyền và ngư dân ven biển.

Trên khu vực đất liền và hải đảo, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ do ảnh hưởng của bão trong trường hợp chuyển hướng đổ bộ vào đất liền, phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, chú ý phương án sơ tán xen ghép tại chỗ để đảm bảo an toàn, chống dịch COVID-19.

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt chú trọng phương án cung cấp nhu yếu phẩm và đảm bảo ý tế trên các đảo. Sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị sẵn sàng xử lý khi có tình huống.

Triển khai các hoạt động của lực lượng xung kích tại cơ sở; hỗ trợ công tác neo đậu tàu thuyền, lồng bè, sơ tán dân; hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, dự báo mưa và nguy cơ mưa lũ, lũ quét phục vụ chỉ đạo ứng phó. Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho tàu thuyền vào tránh trú bão khi có yêu cầu. Bộ Y tế chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án ứng phó, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có yêu cầu, đặc biệt là trên tuyến biển. Các Bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó với bão,…/.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực