Cử tri Thủ đô bày tỏ đồng thuận cao với các Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ảnh: HH
Kỳ họp thứ 17, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã kết luận những vi phạm, khuyết điểm của một số tổ chức đảng, đảng viên; trong đó có nhiều đảng viên là cán bộ cấp cao đương chức và đã nghỉ hưu. Những khuyết điểm của các tập thể, cá nhân là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và đảng viên, gây bức xúc dư luận đến mức phải thi hành kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật và đề xuất hình thức kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân liên quan. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định kỷ luật 2 cán bộ lãnh đạo.
Đón đọc những thông tin này, cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô Hà Nội bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi trước quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.
Trong những ngày tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ tư khóa XIV trên địa bàn Hà Nội, nhiều cử tri đã khẳng định, đây tiếp tục là bước “đột phá” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và thể hiện sự quyết liệt trong chống tham nhũng của Đảng ta.
Ông Nguyễn Tuấn Lễ, hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Ba Vì cho rằng, các đồng chí đảng viên khi giữ chức vụ lãnh đạo được Đảng cử, dân bầu lẽ ra phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện Điều lệ Đảng, những điều đảng viên không được làm, phải ra sức cống hiến để làm lợi cho dân, cho đất nước. Tuy nhiên, vì lợi ích cá nhân, họ đã không giữ vững được lập trường chính trị tư tưởng, kết bè phái, móc ngoặc với nhau, với doanh nghiệp để tạo “sân sau”, tạo tư lợi, lợi ích nhóm. Có những cán bộ lợi dụng chức vụ và quyền hạn để tham nhũng; nói không đi đôi với làm, khiến cho chủ trương, đường lối của Đảng bị bóp méo, làm suy giảm niềm tin của người dân vào Đảng và để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhưng cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao đang đương nhiệm lại không gương mẫu, dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Có đồng chí độc đoán, chuyên quyền, tự tung tự tác khiến cho cấp dưới dù phát hiện sai phạm cũng không dám tố cáo vì sợ trù dập. Tuy nhiên, trong lòng họ không phục, gây mất niềm tin trong nhân dân.
Mỗi cán bộ lãnh đạo, mỗi đảng viên chính là hạt nhân của Đảng. Nếu không gương mẫu, không làm tốt thì sẽ dẫn tới nguy cơ suy thoái theo 27 dấu hiệu đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Nếu không giữ vững bản lĩnh, không giữ vững lời thề đảng viên thì chắc chắn sẽ tăng nguy cơ suy thoái, dẫn tới cán bộ hư hỏng, biến chất, rất nguy hại cho Đảng.
Cử tri Đỗ Văn Giang (xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ) cho rằng, có lẽ nguyên nhân dẫn tới cán bộ bị kỷ luật cũng một phần là do “bệnh thành tích” còn tồn tại. Chúng ta nói rất nhiều, nhưng “bệnh” này chưa giảm. Để cho cán bộ nọ, cán bộ kia, đơn vị nọ, đơn vị kia được nhận giấy khen, bằng khen nhiều vô kể, đến khi xảy ra vấn đề mới lại thu hồi quyết định(?!). Hơn nữa, việc đánh giá cán bộ hiện nay vẫn còn quá nhiều thủ tục rườm rà. Tôi thấy có cán bộ làm việc bao nhiêu năm, thành tích có, năm nào cũng qua các kỳ đánh giá cán bộ của cơ quan, nhưng khi đến kỳ xét nâng ngạch, chuyển ngạch lại yêu cầu bằng này, cấp kia, chứng chỉ nọ. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc “chạy” bằng cấp, chạy chứng chỉ.
Quyết định kỷ luật cán bộ vừa qua cho thấy, có đồng chí lãnh đạo Đà Nẵng đã kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định. Tôi xin đặt ra một câu hỏi là, nếu không có cái bằng ấy, chứng chỉ nọ thì liệu đồng chí đó có làm được các công việc và chức vụ được giao không? Chúng ta đang đánh giá cán bộ qua bằng cấp hay qua công việc?
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với việc xử lý cán bộ không trung thực, dùng bằng cấp giả. Điều này không chỉ vi phạm quy định, pháp luật mà còn liên quan tới vấn đề đạo đức, liên quan tới vấn đề nêu gương. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên xem xét lại các quy trình, thủ tục khen thưởng, thăng cấp, chức của chúng ta hiện nay.
Cử tri Hà Nội kiến nghị nhiều giải pháp trong công tác xây dựng Đảng. Ảnh: HH
Cử tri Chu Văn Luyện (thị xã Sơn Tây) cho rằng, thời gian vừa qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ chức vụ cấp cao của Đảng và Nhà nước vi phạm kỷ luật đã được xử lý một cách nghiêm minh. Điều này khẳng định, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng ta đã được cụ thể hóa trong thực tế, với quyết tâm cao nhất là nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái để toàn Đảng, toàn dân cùng giám sát cán bộ, đảng viên và cũng là cơ sở để các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đánh giá, nhận xét, khen thưởng, xử phạt cán bộ, đảng viên chính xác hơn.
Những cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bị kỷ luật thời gian qua cho thấy, mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải bị xem xét, xử lý nghiêm minh. Đây là nhân tố quan trọng nhằm tiếp tục xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Theo ông Chu Văn Luyện, để loại bỏ các nguy cơ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngoài việc kỷ luật nghiêm minh, cán bộ, đảng viên vi phạm theo Điều lệ Đảng phải chuyển điều tra, xử lý, truy tố theo quy định của pháp luật, nhất là những sai phạm liên quan đến tài chính. Những vụ việc phải được làm dứt điểm theo từng tỉnh, từng ngành. Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm là để răn đe, giáo dục các cán bộ, đảng viên khác, để nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Cử tri Nguyễn Văn Mạnh (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ) cho rằng, kết luận về những sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên tại nhiều bộ, ngành, địa phương cho thấy, công tác kiểm tra của Đảng được tiến hành rất nghiêm túc, bài bản. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu chỉ đạo đã đưa ra xét xử công khai nhiều vụ đại án tham nhũng thời gian qua, cho thấy quyết tâm cao của Đảng ta nhằm loại bỏ tệ tham nhũng trong hệ thống chính trị.
Nhiều vụ đại án được điều tra kỹ, khi đưa ra xét xử có tình tiết mới được chỉ đạo điều tra bổ sung và đã “lôi” ra được nhiều “con sâu” đục khoét trăm tỷ, ngàn tỷ ngân khố quốc gia. Nhiều kẻ tham nhũng đã bị tuyên phạt những mức án cao nhất.
Chúng tôi cho rằng, trong thực tế có nhiều cán bộ hưởng lương 5-10 triệu đồng mà có nhà trị giá hàng chục tỷ đồng, con cái đi du học nước ngoài, thì không thể đó là thu nhập chân chính được.
Theo ông Mạnh, trong thời gian tới, để tăng niềm tin của nhân dân vào sự quyết liệt của Đảng trong công cuộc chống tham nhũng, thì giữa việc kê khai tài sản và thu nhập phải thật chặt chẽ, thường xuyên và chính xác, minh bạch. Có những trường hợp có kê khai, có báo tài sản theo thời điểm, nhưng tiền ở đâu để có cơ ngơi đó thì chưa ai giải thích rõ.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn Hà Nội, các cử tri cũng đã bày tỏ sự vui mừng trước các quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo các quy định này, cán bộ không được tham vọng quyền lực, không được để cho vợ, chồng, con cái người thân lợi dụng cương vị công tác của mình để trục lợi…
Cử tri Thủ đô mong muốn, nếu mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt quy định này thì tin chắc rằng, tình trạng tham nhũng sẽ giảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng sẽ ngày càng được củng cố và tăng cường./.