|
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh, kiểm tra công tác thực hiện xoá nhà ở tạm, nhà dột nát tại TP Uông Bí. (Ảnh: Thu Chung) |
Cách đây 93 năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 đến 31/10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, trong đó có việc chỉ đạo tổ chức cơ quan chuyên môn của Đảng về công tác vận động quần chúng. Từ đó, ghi dấu ngày ra đời ngành Dân vận của Đảng, mở ra một trang mới, một mốc son vẻ vang trong sự nghiệp công tác dân vận của Đảng. Tháng 10/1999, trên cơ sở đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.
Hòa chung với dòng chảy của lịch sử và công tác dân vận của cả nước, công tác dân vận của tỉnh Quảng Ninh đã cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước quật cường của quân và dân vùng Mỏ xung kích đi đầu, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc; tích cực tham gia trường kỳ kháng chiến đánh đuổi thực dân, đế quốc và chi viện cho tiền tuyến, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác dân vận của tỉnh tiếp tục khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng trong phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là giai đoạn khẳng định sự trưởng thành về hệ thống tổ chức của ngành Dân vận trong tỉnh với sự ra đời của cơ quan tham mưu công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh. Sau đó, hệ thống tổ chức của ngành Dân vận nhanh chóng phát triển từ tỉnh xuống cơ sở; chức năng, nhiệm vụ được xác định ngày càng đầy đủ, cụ thể hơn; chất lượng, hiệu quả các mặt công tác ngày một nâng cao.
Hệ thống dân vận các cấp thời gian qua đã tập trung làm tốt công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về dân vận, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc, là trung tâm, là chủ thể” và mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh đã tham mưu cấp ủy chỉ đạo và triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lớn, phù hợp thực tiễn để khơi dậy và phát huy sức mạnh nhân dân trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
|
Tuyến đường mẫu cấp tỉnh tại thôn Phúc Đa (xã Tân Việt, TX Đông Triều) có sự đóng góp tích cực của người dân. Ảnh: Minh Yến |
Điều này, được thể hiện rất rõ ở việc tham mưu cấp ủy các cấp ban hành và triển khai các quy chế, quy định, nhằm tạo lập cơ chế thiết thực để cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến của nhân dân; ban hành nhiều nghị quyết quan trọng mang tính đột phá, chiến lược thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Điển hình: Nghị quyết 07-NQ/TU (ngày 29/5/2013) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030...
Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp, ngành Dân vận của tỉnh đã kịp thời tham mưu triển khai chương trình, kế hoạch với những giải pháp trọng tâm để cụ thể hóa thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, góp phần đưa việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đi vào nền nếp, bảo đảm cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Ngành Dân vận cũng đã chú trọng tham mưu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xem đây là giải pháp trọng tâm để đổi mới và tăng cường công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được trên 1.700 mô hình dân vận khéo, trong đó có nhiều mô hình tiêu biểu, sáng tạo, như: Khéo vận động nhân dân xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh; giải phóng mặt bằng các dự án; xây dựng, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; dân vận khéo gắn với vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; cải cách hành chính; hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội… Thông qua các mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận; giúp các cấp ủy nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân; tích cực tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng.
Công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh thực sự phát huy hiệu quả, góp phần vào thành tựu chung về phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN trên địa bàn trong những năm qua. Nhiều chủ trương lớn, các mô hình mới liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân, do làm tốt công tác dân vận đã thực hiện thành công và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Nổi bật là thực hiện hiệu quả mô hình: Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo phương châm “Dân tin - Đảng cử”; sáp nhập huyện Hoành Bồ cũ vào TP Hạ Long; tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, phòng chống Covid-19. Mới đây nhất, đã huy động hiệu quả nhiều nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chương trình xoá nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh; tổ chức phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh với sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân…
Những kết quả ngành Dân vận đạt được đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Kinh tế của liên tục tăng trưởng cao và ổn định, 7 năm liên tiếp (2016-2022) đạt trên 10%; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rất rõ rệt; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được củng cố, nâng lên (từ 73,3% năm 2016 lên 93,4% năm 2022). Quảng Ninh vươn lên, trở thành một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc.