Hoàn thiện tư duy, lý luận mới, đột phá về văn hóa

Thứ sáu, 03/11/2023 09:13
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lĩnh vực văn hoá, xã hội, con người có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với nhau trong đời sống xã hội. Vì vậy, chúng ta cần tổng kết thực tiễn, sử dụng phương pháp luận khoa học, kết quả nghiên cứu đã có để định hình, hoàn thiện tư duy, lý luận mới, đột phá về văn hoá.

Chiều 2/11, tại Hà Nội, Đoàn Cán bộ khảo sát thực tế nhóm 3 - Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc 40 năm đổi mới đất nước trong lĩnh vực văn hóa - xã hội và con người do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thức sâu sắc việc tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa 40 năm qua ở Việt Nam là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cần thiết, hết sức quan trọng nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, định hướng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Đoàn Cán bộ khảo sát do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: Báo Tổ quốc)

Theo sự phân công của Ban chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham gia xây dựng báo cáo tổng kết nội dung về các vấn đề về phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người (nội dung 4). Báo cáo gồm 4 phần chính. Trong đó phần 1 là sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng về xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu, rà soát, hệ thống các văn kiện của Đảng, ý kiến góp ý, đánh giá của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các chuyên gia đến từ các Bộ, ban, ngành, cơ quan soạn thảo bước đầu khái quát quá trình phát triển về nhận thức lý luận của Đảng theo 3 giai đoạn chính. Giai đoạn 1, thời kỳ đầu đổi mới (1986 - 1995) với nội dung xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Giai đoạn 2, thời kỳ đẩy mạnh đổi mới - đổi mới toàn diện (1996 - 2014): xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Giai đoạn 3, thời kỳ đổi mới tư duy gắn với đột phá chiến lược về văn hóa (2014 đến nay), văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phần thứ hai với nội dung là tập trung nhận diện thực trạng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền văn hoá và con người Việt Nam. Đây là việc hoàn thiện, bổ sung hệ thống lý luận về phát triển văn hóa và xây dựng con người là một thành tựu quan trọng trong quá trình lãnh đạo đất nước của Đảng ta trong công cuộc đổi mới gần 40 năm qua. Quan trọng hơn nữa, sự đổi mới trong tư duy nhận thức đã tạo động lực cho sự đổi mới trong tư duy hành động trong phát triển văn hóa và xây dựng con  người Việt Nam, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đến nay. Trong báo cáo này, bước đầu Ban soạn thảo chỉ ra 6 lĩnh vực/hoạt động đóng vai trò trọng tâm trong quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam trong gần 40 năm qua, bao gồm: Thế chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa và con người Việt Nam; Xây dựng và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; xây dựng đạo đức, lối sống văn minh, hiện đại; bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam; Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa góp phần đáp ứng quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa của người dân; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực góp phần tích cực phát triển văn hóa, xây dựng con người; Xây dựng con người toàn diện; Phát triển các ngành công nghiệp, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả khả quan và tích cực nêu trên, quá trình phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong gần 40 năm qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế như công tác thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng chưa theo kịp yêu cầu, chưa đồng bộ và hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp; thiếu giải pháp đưa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam vào thực tiễn cuộc sống; môi trường văn hóa có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đứng trước nhiều nguy cơ; hệ thống thiết chế văn hóa chưa đầu tư, khai thác đồng bộ để phát huy hiệu quả thiết thực; thiếu chiến lược dài hạn cho việc phát triển nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; xây dựng và phát triển con người toàn diện chưa thực sự thấm sâu và tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp xã hội; cơ chế phối hợp liên ngành chưa hiệu quả, các ngành công nghiệp văn hóa chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các hạn chế này cho thấy vẫn còn khoảng cách và độ trễ giữa nhận thức, tư duy và thực tiễn trong phát triển văn hóa và xây dựng con người ở nước ta. Từ đó để tổng kết toàn diện về quá trình phát triển văn hóa và con người trong thời gian qua, đặc biệt để có cơ sở cho những điều chỉnh cần thiết cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Dự thảo báo cáo cũng đưa ra những dự báo bối cảnh mới, phương hướng, quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng giải pháp, đề xuất, kiến nghị và khâu đột phá nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lĩnh vực văn hoá, xã hội, con người có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với nhau trong đời sống xã hội. Vì vậy, chúng ta cần tổng kết thực tiễn, sử dụng phương pháp luận khoa học, kết quả nghiên cứu đã có để định hình, hoàn thiện tư duy, lý luận mới, đột phá về văn hoá.

Qua từng dấu mốc, giai đoạn lịch sử của đất nước và thế giới, hệ thống tư duy, lý luận, quan điểm của Đảng về văn hoá đã có sự phát triển, đổi mới, mang đặc trưng riêng trong mối quan hệ hết sức chặt chẽ đối với mô hình kinh tế.

Theo Phó thủ tướng, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà gắn với mỗi công trình kiến trúc, di sản vật thể, phi vật thể phản ánh đời sống kinh tế, hình thái xã hội của một thời kỳ, không gian lịch sử cụ thể.

Phó Thủ tướng cho rằng cần xác định rõ những giá trị văn hoá mang tính trường tồn, hội tụ đầy đủ bản sắc dân tộc, cũng như những giá trị văn hoá cần thiết cho tương lai, trong một thế giới đang thay đổi mô hình phát triển sang kinh tế tri thức, không dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số không thể thiếu yếu tố văn hoá.

Phân tích sâu quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu phải xây dựng quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức để bảo vệ giá trị con người, xã hội trước những thách thức trên môi trường số./.

T.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực