|
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, công tác cải cách hành chính |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, công tác cải cách hành chính. Đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận và đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đồng chủ trì buổi làm việc.
Thông qua những thước phim tài liệu, Ban Thường vụ hai tỉnh đã giới thiệu, đánh giá khái quát những thành tựu, dấu ấn nổi bật trong thời gian qua, những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển và những lợi thế, tiềm năng của tỉnh Bình Thuận và tỉnh Hậu Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đến thăm và làm việc tại tỉnh. Theo đề nghị của Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chia sẻ thêm về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận dựa trên ba trụ cột là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp năng lượng (mà trọng tâm là điện gió ngoài khơi), đưa tỉnh trở thành trung tâm năng lượng của cả nước. Đối với du lịch, tỉnh sẽ cấu trúc lại không gian phát triển du lịch, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, giữ vững uy tín, thương hiệu, nâng cao đẳng cấp; lấy Khu du lịch Quốc gia Mũi Né làm trung tâm lan tỏa để phát triển ra các khu vực lân cận; phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đối với nông nghiệp, tỉnh đang tập trung phát triển ngành theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và xây dựng chuỗi giá trị.
Thay mặt đoàn công tác của tỉnh Hậu Giang, đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cảm ơn những tình cảm mà Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang; đồng thời chúc mừng những thành tựu mà Bình Thuận đã đạt được qua 30 năm tái lập tỉnh. Tuy khác nhau về điều kiện tự nhiên, vùng kinh tế nhưng Hậu Giang và Bình Thuận có nhiều điểm tương đồng về việc xác định các trụ cột kinh tế, các lợi thế khác biệt để phát triển du lịch. Như Bình Thuận, Hậu Giang cũng đi lên từ gian khó và phát triển tương đối nhanh. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt gần 6%; riêng 8 tháng đầu năm 2022 đạt 11%, cao nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và xếp thứ 8 trong cả nước. Tuy nhiên, Hậu Giang đang đứng trước điểm nghẽn là không có động lực tăng trưởng kinh tế mới; ngành công nghiệp không có doanh nghiệp mới; thu ngân sách còn khiêm tốn. Tỉnh ủy Hậu Giang đã xác định các khâu đột phá là công tác cán bộ và việc hoàn thiện các thể chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng mong muốn với kinh nghiệm đi trước, Bình Thuận sẽ tiếp tục có những trao đổi, chia sẻ cũng như hợp tác giữa hai địa phương.