Quảng Bình nỗ lực thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch

Thứ ba, 17/10/2023 09:11
(ĐCSVN) - Trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình (Ảnh: Trần Tuấn Việt)

Năm 2023, du lịch Quảng Bình tiếp tục có sự phục hồi nhanh

Theo Tỉnh ủy Quảng Bình, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 9/12/2020 về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 - 2025. 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, việc triển khai thực hiện Chương trình gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tinh thần nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của các doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, du lịch Quảng Bình đã có sự phục hồi nhanh, tăng trưởng mạnh, tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Qua thời gian triển khai Chương trình, về hoạt động kinh doanh du lịch, trong giai đoạn 2021 - 2022, việc triển khai Chương trình hành động số 01- CTr/TU diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam cũng như thế giới chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 trên mọi lĩnh vực, trong đó, du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất, nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và nguồn cung các sản phẩm du lịch có sự biến động lớn. 

Năm 2021, tổng lượng khách du lịch giảm 69% so cùng kỳ năm 2020 và đạt 11% so với kế hoạch. Bước sang năm 2022, tình hình dịch COVID-19 trong nước cơ bản đã được kiểm soát, các giải pháp thực hiện linh hoạt, hiệu quả với mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ, du lịch Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả phục hồi quan trọng. Năm 2023, du lịch Quảng Bình tiếp tục có sự phục hồi nhanh, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam và dự ước tổng số khách du lịch đến Quảng Bình đạt khoảng 3,5 triệu lượt khách, tương đương 70% so với năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19Quảng Bình tiếp tục duy trì vị thế điểm đến hấp dẫn hàng đầu tại Việt Nam và được khách du lịch, các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Về lưu trú du lịch, tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh hiện có 531 cơ sở với 8.427 phòng, trong đó có 32 cơ sở đã được xếp hạng; homestay, farmstay,…và các cơ sở lưu trú khác là 499 cơ sở với 6.093 phòng. 

Về lữ hành, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 40 sản phẩm, khu, điểm tham quan du lịch đã được phê duyệt đề án hoặc cho phép khai thác thử nghiệm; 44 đơn vị lữ hành, trong đó có 22 đơn vị lữ hành quốc tế, 22 đơn vị lữ hành nội địa. 

Về cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch khác, toàn tỉnh hiện có gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cùng các cơ sở, cửa hàng cung cấp các sản phẩm phục vụ du khách tại các khu, điểm tham quan du lịch. Trong đó có 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đã được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. 

Bên cạnh đó, tổng số nhân lực du lịch của tỉnh hiện có khoảng gần 4.000 lao động trực tiếp và khoảng 7.000 lao động gián tiếp. Cơ cấu nhân lực vùng miền và các lĩnh vực hoạt động được điều tiết ngày càng hợp lý, bảo đảm tính hiệu quả kinh tế - xã hội.

Cùng với những kết quả trên, Quảng Bình đã tập trung thực hiện tốt các chương trình quảng bá, giới thiệu các giá trị tài nguyên du lịch nổi bật của Quảng Bình để người dân tự hào và đồng hành cùng chính quyền địa phương; vận động đội ngũ cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ và cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng phong trào ứng xử lịch sự, mến khách, tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, thân thiện,…

Đồng thời, Quảng Bình đã tập trung huy động các nguồn lực của Trung ương, nguồn vốn từ các dự án của các tổ chức quốc tế, ngân sách địa phương và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng giao thông trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, khai thác tiềm năng du lịch của khu vực và một số dự án xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng du lịch.

Cửa hang Pygmy nằm sâu trong trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình (Ảnh: Quảng Hà) 

Nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Theo Tỉnh ủy Quảng Bình, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 22/01/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 - 2025 . 

Đi cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch. Triển khai các chương trình quảng bá, giới thiệu các giá trị tài nguyên du lịch nổi bật của Quảng Bình để người dân tự hào và đồng hành cùng chính quyền. 

Nâng cao chất lượng công tác vận động đội ngũ cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ và cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng phong cách ứng xử lịch sự, mến khách, tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, thân thiện, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”. 

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng thời rà soát, đánh giá kết quả thực hiện một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh đối với lĩnh vực du lịch và xây dựng các chính sách hỗ trợ, phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp với nhu cầu đầu tư và tình hình thực tiễn của địa phương. 

Tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn lực của Trung ương từ Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch...; nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, ngân sách địa phương và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực, ngân hàng tại các trung tâm du lịch của tỉnh, các khu, điểm du lịch; chú trọng tính kết nối giữa các khu du lịch, điểm du lịch,... 

Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế. Thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa trong quảng bá, xúc tiến du lịch. Đổi mới hình thức, nội dung trong việc tham gia các hội chợ du lịch thường kỳ trong nước. Mở rộng thị trường khách du lịch, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ du lịch; thực hiện các giải pháp khắc phục tính thời vụ; tăng cường thu hút khách du lịch đến và lưu trú dài hơn,…/.

Mỹ Hạnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực