Quảng Ngãi triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 61-KL/TW

Thứ tư, 18/10/2023 10:42
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 61-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương xây dựng chính sách, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn (Ảnh minh họa: B.T)

Ngày 17/8/2023, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 61-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 61- KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 61-KL/TW.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương xây dựng chính sách, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Trong đó, đổi mới, đa dạng hoá, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, làm thay đổi hành vi, thói quen trong tiêu dùng, sản xuất, sinh hoạt, góp phần quan trọng vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Xác định rừng là tài nguyên, nguồn lực to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất quan trọng, có khả năng tái tạo; là yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, giúp bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, quốc phòng và an ninh; là không gian lưu giữ các giá trị văn hoá gắn với đời sống, sinh hoạt của các cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số,… Bảo vệ, phát triển rừng vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị rà soát, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đồng bộ chủ trương của Đảng về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững; đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Kế hoạch trồng cây xanh, Kế hoạch tái cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025.

Ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất, nhất là bố trí kinh phí thực hiện các dự án về phát triển lâm nghiệp bền vững. Có chính sách tín dụng, hỗ trợ dạy nghề, tạo sinh kế, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, người bảo vệ rừng; chính sách khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng phải gắn với ổn định, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số và người dân ở khu vực có rừng.

 Cần xây dựng lực lượng chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy rừng. (Ảnh minh họa: M.H)

Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp, nhất là các địa phương có diện tích rừng lớn và lực lượng được giao nhiệm vụ trực tiếp để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm tra, giám sát trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ làm công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến ngành lâm nghiệp. Bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, xây dựng lực lượng chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy rừng; có chính sách đặc thù để hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng trực tiếp, thu hút cán bộ làm công tác lâm nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Tăng cường thu hút nguồn vốn hỗ trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; đồng thời, thực hiện hiệu quả, trách nhiệm các cam kết quốc tế về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng,…/.

Minh Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực