Tại các buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, công tác phòng, chống tham nhũng
luôn được các cử tri Hà Nội quan tâm, đề cập đến. (Ảnh: TH) Xử lý nghiêm, hiệu quả rõ
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng (PCTN); thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Chương trình số 07-Ctr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy khóa XVI về "Nâng cao hiệu quả công tác PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020".
Qua hơn 2 năm triển khai, Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban, việc triển khai thực hiện Chương trình đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với "cuộc chiến" chống tham nhũng, lãng phí.
Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, qua thực hiện Chương trình số 07-Ctr/TU, từng cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xác định được trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, lãng phí. Trong đó, chú trọng tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội cũng quan tâm, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây mới cơ chế, chính sách, chế độ, định mức, tiêu chuẩn; công khai minh bạch trên các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: Tài chính - ngân sách, đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai, thuế…
Đặc biệt là thành phố đã nỗ lực, quyết tâm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin…, góp phần làm giảm các biểu hiện tiêu cực. Cùng với đó, Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh công khai, minh bạch các cơ chế chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, gắn với cải cách thủ tục hành chính.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-Ctr/TU, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Thanh tra thành phố và Thanh tra các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã triển khai 745 cuộc thanh tra, trong đó có 491 cuộc theo kế hoạch và 254 cuộc đột xuất. Qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm hơn 1.180 tỷ đồng và 32,66ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với 132 tập thể, 248 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm, kiến nghị cơ quan điều tra 15 vụ.
Cũng qua 2 năm triển khai Chương trình số 07-Ctr/TU, toàn thành phố đã tiếp 67.242 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; thụ lý theo thẩm quyền 7.591 vụ, đã giải quyết 6.294 vụ, đạt tỷ lệ 82,9%.
Tính riêng năm 2017, các cấp ủy đã chỉ đạo chính quyền cùng cấp giải quyết được 82/200 (tương đương 41%) vụ việc phức tạp; rà soát củng cố 23/86 tổ chức cơ sở Đảng, đưa 37 vụ việc ra khỏi danh sách vụ việc tồn đọng, phức tạp; đưa vào danh sách kiểm tra, đôn đốc, giải quyết 8 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp đã, đang hoặc tiềm ẩn nguy cơ trở thành "điểm nóng".
Các cơ quan chức năng PCTN kiên quyết, kiên trì phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, khoa học, chủ động tham mưu xử lý có hiệu quả các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Trong đó, công an toàn thành phố đã khởi tố 60 vụ/194 bị can - là tỉnh thành có số vụ án tham nhũng phát hiện, xét xử lớn. Thành ủy đã tập trung chỉ đạo tích cực, 3 ngành tư pháp chủ động phối hợp giải quyết các vụ án tham nhũng đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp do các cơ quan trung ương chuyển đến được các cơ quan tố tụng của thành phố giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
HĐND thành phố đã tăng cường hoạt động giám sát, tổ chức các phiên giải trình, tập trung vào các lĩnh vực nóng, bức xúc, được cử tri và nhân dân quan tâm. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tập trung nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là phát huy vai trò của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc PCTN trên lĩnh vực đầu tư xây dựng. Do đó, tình hình tham nhũng, lãng phí đã được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn.
Tại các quận, huyện, thị xã, việc triển khai Chương trình 07 cũng được cụ thể hóa bằng kế hoạch, nội dung sát với thực tế. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, quận thường xuyên chấn chỉnh và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; góp phần củng cố chất lượng, nâng cao uy tín bộ máy chính quyền. Đổi mới lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, phòng, chống các hành vi quan liêu, hách dịch, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm với nhiệm vụ chuyên môn. Quận Ba Đình đã rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần tự giác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, trong giao tiếp ứng xử với người dân và doanh nghiệp…
Tập trung giải quyết những điểm “nóng”
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 07, vẫn còn có một số hạn chế cần tập trung khắc phục trong nửa cuối nhiệm kỳ. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc nắm, dự báo tình hình ở một số lĩnh vực có lúc chưa sâu, chưa kịp thời. Việc xử lý một số vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn nể nang, né tránh hoặc xin xử lý nội bộ. Tính chủ động trong công tác tự kiểm tra phát hiện sai phạm chưa cao; việc kê khai tài sản và kiểm soát kê khai tài sản còn hình thức. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm và tội phạm tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng cơ bản đã giảm nhưng chưa nhiều…
Xác định trong những năm tới, tham nhũng vẫn là một trong bốn nguy cơ của Đảng và đất nước, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-Ctr/TU của Hà Nội đã yêu cầu các cấp ủy trực thuộc thực hiện tốt 3 mục tiêu, 8 giải pháp của chương trình. Trong đó, chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa về công tác PCTN, lãng phí ở địa phương, cơ sở.
Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu giải pháp nâng cao thu nhập chính đáng cho cán bộ,
công chức, viên chức nhằm ngăn ngừa tham nhũng. (Ảnh:TH)
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị của thành phố phải nhận diện và xác định nguy cơ tiềm ẩn tham nhũng, lãng phí, từ đó xây dựng kế hoạch khắc phục, ngăn chặn hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy khẳng định: Với vai trò của mình, Ban Nội chính Thành ủy sẽ phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho Thành ủy tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; tăng cường công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Ngành sẽ sâu sát, quyết liệt, kịp thời tham mưu cho Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan nội chính đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp..., tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN.
Cùng với đó, các thành viên Ban chỉ đạo và cấp ủy các cấp tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình 07, trước hết là những giải pháp chính như giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu. Công tác PCTN tiếp tục đặt trọng tâm vào các lĩnh vực, như: Đất đai, tài chính, quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng, mua sắm tài sản công...
Theo đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Hà Nội đã đạt được kết quả tích cực trong PCTN, lãng phí trong thời gian qua, nhưng phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì để thực hiện tốt hơn nữa. Để làm được điều này, mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu, tự giác, thống nhất cao về ý chỉ và hành động trong đấu tranh PCTN.
Trước những nhiệm vụ đặt ra còn nặng nề, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban đề nghị, các cấp, ngành của Thành phố nói chung, Ban Nội chính Thành ủy nói riêng không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được; tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại hội nghị toàn quốc về PCTN. “Tập trung thực hiện với quyết tâm cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở địa phương, cơ sở; chỉ ra các lĩnh vực, các khâu công việc, các địa bàn “nóng” xảy ra tham nhũng để xây dựng các chuyên đề, kế hoạch ngăn chặn hiệu quả hành vi tham nhũng, tiêu cực” - Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, để siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, PCTN, lãng phí, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cần bóc tách cụ thể, rõ địa chỉ những cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đến những hạn chế, khuyết điểm. Ví dụ, đối với việc kê khai tài sản thì cần làm rõ nơi nào kê khai đầy đủ, nơi nào chưa kê khai đầy đủ, chất lượng kê khai ra sao. Báo cáo sơ kết thực hiện chương trình cũng cần làm rõ những số liệu về tự phát hiện, tự xử lý tham nhũng của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đánh giá rõ việc các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng báo cáo đánh giá tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng và kế hoạch khắc phục. Đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp nâng cao thu nhập chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn ngừa tham nhũng. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm bớt sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức…/.