Trong Hiến pháp hiện hành của Việt Nam - Hiến pháp năm 2013 có nhiều điều, khoản liên quan đến quyền có nhà ở của công dân. Chẳng hạn Khoản 1 Điều 22 quy định: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp”; Khoản 1 Điều 32: “Mọi người có quyền sở hữu về nhà ở”; Khoản 3 Điều 59: “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”.
Sau Hiến pháp năm 2013, ngày 25/11/2014, Quốc hội thông qua Luật Nhà ở, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015 và thay thế Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2009.
Theo giải thích tại khoản 1 Điều 3 của Luật Nhà ở năm 2014 thì nhà ở là: Công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, cá nhân. Cũng theo Luật Nhà ở năm 2014 thì nhà ở của hộ gia đình, cá nhân có thể là nhà ở riêng lẻ hoặc nhà chung cư.
Trong Luật Cư trú được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, tại Điều 2 giải thích: “Chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật.
|
Người Raglai ở thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận được Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở khang trang (Ảnh: Phương Liên) |
Việt Nam có hơn 14,1 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 14,7% dân số cả nước. Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm thực hiện, bảo đảm, thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số, trong đó có quyền nhà ở.
Cụ thể hoá các quy định trong Hiến pháp, trong các văn bản luật liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 và các chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số.
Kết quả Điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, gần như toàn bộ các hộ dân tộc thiểu số đã có nhà ở (đạt 99,8%). Trong các hộ dân tộc thiểu số có nhà ở, 95% hộ có nhà riêng. Chỉ có 5% hộ ở nhà thuê, mượn.
Trên 79% các hộ dân tộc thiểu số sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố; 26,2% số hộ sống trong những ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình. Ba vùng có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sống trong nhà truyền thống của dân tộc mình cao là: Trung du và miền núi phía Bắc 38,9%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 26,6%, Tây Nguyên 17,9%. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có diện tích nhà ở bình quân đầu người khá cao với 18,4%/người, cao hơn mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số. Dân tộc La Ha và dân tộc Kháng có tỷ lệ hộ ở nhà truyền thống cao nhất, tương ứng 82,3% và 81%.
Trong việc thực hiện quyền nhà ở cho người dân tộc thiểu số, nhất là hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ gia đình chính sách, Việt Nam đã ban hành chính sách, bố trí nguồn lực để thực hiện việc cho vay ưu đãi làm nhà ở thông qua kênh tín dụng chính sách.
Tại Việt Nam, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hộ dân tộc thiểu số nghèo được vay vốn tín dụng chính sách với mức lãi suất chỉ bằng ½ mức lãi suất của ngân hàng thương mại để làm nhà ở. Tính đến tháng 8/2019, vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo dân tộc thiểu số xây dựng trên 215 nghìn căn nhà ở.
Cũng bằng vốn tín dụng chính sách, các hộ dân tộc thiểu số nghèo được vay vốn để làm ăn. Làm ăn khấm khá, họ có điều kiện tích luỹ để làm nhà ở khang trang hơn. Theo kết quả khảo sát của nhóm các nhà khoa học thuộc Học viện Ngân hàng tại 3 tỉnh Yên Bái, Lâm Đồng, Trà Vinh, 82% số hộ khảo sát cho biết, họ đã có điều kiện cải tạo được nhà ở.
Năm 2016 là năm có số lượng công trình nhà ở cho các hộ dân tộc thiểu số cao nhất trong giai đoạn 2014 - 2017. Riêng khu vực Tây Bắc đạt gần 4.500 công trình nhà ở đã được xây dựng cho bà con dân tộc thiểu số; các khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ khoảng 500 - 1.500 công trình nhà ở được hoàn thành từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Giai đoạn 2021 - 2023, theo số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, vốn tín dụng chính sách đã giúp xây dựng hơn 3,2 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, gần 21 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp.
Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về quyền nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng chính sách, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc kết hợp với sức mạnh nguồn lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ người nghèo về nhà ở và thu được nhiều kết quả quan trọng.
Tiêu biểu như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức vận động tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10 - 18/11) hàng năm nhằm tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp… tham gia hưởng ứng vận động hỗ trợ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội tại địa phương, trong đó có nội dung hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trong đó có hộ nghèo dân tộc thiểu số được hàng nghìn căn nhà.
Bộ Công an đã hỗ trợ xây dựng hơn 10 nghìn căn nhà, cùng nhiều điểm trường bán trú trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hòa Bình,..
Thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn, tỉnh Hà Giang đã xây dựng được 6.700 ngôi nhà cho 249 gia đình chính sách, người có công, 605 hộ cựu chiến binh nghèo, 2.086 hộ nghèo xã biên giới và 3.760 hộ nghèo xã nội địa. Những ngôi nhà được xây dựng đảm bảo chất lượng, phù hợp với kiến trúc, nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Mới đây, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kêu gọi vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Đề án nhằm vận động các nguồn lực xã hội để làm mới 7.000 - 8.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Điện Biên và địa bàn Tây Bắc trong thời gian 1 năm (từ 7/5/2023 đến 7/5/2024). Trong đó, hỗ trợ tỉnh Điện Biên 5.000 căn nhà, số nhà còn lại hỗ trợ các địa phương khác trên địa bàn Tây Bắc…