Sửa luật bảo hiểm xã hội đừng để người lao động cảm thấy thiệt thòi

Thứ sáu, 18/08/2023 14:03
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh đề nghị lưu ý đề xuất của tổ chức Công đoàn, để người lao động không cảm thấy mình chịu thiệt thòi sau nhiều lần thay đổi chính sách.
 Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 25, sáng 17/8.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong quá trình xây dựng, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội đã tham gia tích cực và có văn bản gửi các cơ quan soạn thảo, tham gia các kỳ họp đều có ý kiến tham luận. 

Ông nhấn mạnh, quan điểm chung khi sửa Luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, ông đề nghị lưu ý đề xuất của tổ chức Công đoàn khi sửa dự luật này, để người lao động không cảm thấy mình chịu thiệt thòi sau nhiều lần thay đổi chính sách. Chẳng hạn như, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng mức tối đa là 75%. Bên cạnh đó, cần thận trọng xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các chính sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội như bảo hiểm xã hội một lần, cách tính cũng như mức hưởng, thời gian hưởng chế độ với người lao động chưa đủ tuổi hưu trí…

Tham gia ý kiến cụ thể về sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, ông cho biết, qua khảo sát tổng hợp, việc sửa đổi này cũng đã tạo điều kiện để người lao động có thể được hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 15 năm trở lên. Điều này rất phù hợp với quan điểm cũng như đường lối của Đảng và được người lao động rất đồng tình ủng hộ. 

Tuy nhiên, qua tính toán thì người lao động cũng đang còn có băn khoăn. Bởi với mức như thế đối với những người lao động đóng khoảng 15 năm chẳng hạn thì mức lương hưu được hưởng khoảng 33,75%.

Đây là điều mà nhiều người lao động còn đang băn khoăn, đề nghị cần phải xem xét ở khía cạnh chia sẻ để có những hỗ trợ đối với đối tượng khi về nghỉ hưu có thu nhập thấp mà không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu" - ông nói.

Về bảo hiểm xã hội một lần, nhấn mạnh đây là quyền lợi chính đáng của người lao động, song theo ông xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua là một thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ mà ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế của xã hội, mục tiêu cũng như nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong vấn đề thực hiện an sinh xã hội. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt, để họ đảm bảo duy trì cuộc sống như có thể tạo điều kiện hỗ trợ cho họ vấn đề về tín dụng ưu đãi, vấn đề về việc làm, dạy nghề cũng như chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động để làm sao tạo điều kiện cho người lao động…

Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, để khuyến khích người lao động gắn bó về mặt lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội cũng như giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đề nghị nghiên cứu xem xét để nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75%.

Vấn đề khác, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nghiên cứu quy định cơ quan bảo hiểm xã hội được khởi kiện ra tòa đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm góp phần bảo vệ lợi ích công cộng cũng như lợi ích chung của đất nước.

Để giảm tối thiểu tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng cũng như chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp về thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý các vi phạm, ông cho rằng cần phải có các quy định để định rõ vai trò cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng.

Ông Phan Văn Anh cũng nhấn mạnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như các cấp công đoàn sẽ tiếp tục rà soát và sẽ tham gia ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật.

 
Trường Nhật

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực