Giữ gìn tiếng mẹ đẻ là niềm tự hào, tự tôn dân tộc

Thứ tư, 18/10/2023 15:30
(ĐCSVN) - Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là “cầu nối” rất năng động giữa các dòng họ, giữa dân tộc này với dân tộc khác và giữa dân với Đảng và Nhà nước.
 
 

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm bảo tồn văn hóa các DTTS, trong đó có việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết, và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Ông Bun Minh Lào, Phó phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số rất phong phú, nếu mình không tìm cách gìn giữ thì sẽ mất hết, chính vì vậy, với trách nhiệm của mình, đội ngũ Người có uy tín đang cố gắng động viên, khuyến khích bà con giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc. Không phải là điều gì cao xa mà là những phong tục tập quán tốt đẹp, cách ăn ở, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ hàng ngày của chính đồng bào mà thôi.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm tới đời sống văn hóa của đồng bào DTTS 

Nhờ vận động và phát huy hiệu quả vai trò của Người uy tín, đội ngũ Người uy tín uy tín trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài ra, họ cũng luôn đi đầu trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, trong đó có bảo tồn tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Điển hình là  ông Y Tuyên Bkrông, dân tộc Ê Đê ở buôn DrayH’Ling, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, ông Y Ret Knul, buôn Êga, huyện Cư Kuin. 

Bảo tồn văn hóa được các địa phương luôn quan tâm và phát huy 

Luôn trăn trở trước việc bà con dân tộc mình biết đọc, viết chữ Ê Đê còn rất ít, bà Sao H' Phon, dân tộc Mnông ở thôn Thống Nhất, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đã dày công nghiên cứu và truyền dạy lại chữ Ê Đê cho thế hệ trẻ. Hiện nay, dù đã ngoài 70 tuổi, bà Sao H' Phon vẫn tham gia giảng dạy chữ cho bà con dân tộc mình. Bà còn phối hợp với Ban Nghiên cứu Dân tộc tỉnh Đắk Lắk dạy chữ cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đang công tác ở huyện, các xã miền núi, vùng cao biên giới.

Bà Sao H' Phon trong một buổi lên lớp 

Bà chia sẻ: Nhận thấy việc bảo tồn tiếng nói là yêu cầu bức thiết, một số DTTS đã nỗ lực gìn giữ. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khách quan, tiếng nói các DTTS vẫn đứng trước nguy cơ mai một, nhất là những dân tộc có dân số ít, không có khả năng tự bảo vệ ngôn ngữ. Do đó, việc bảo tồn tiếng nói các DTTS không phải của riêng ai, mà cần có sự chung tay của toàn xã hội. Có thể thấy rằng, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã dành sự quan tâm, những việc làm cụ thể nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS. Và, với những nỗ lực mà chúng ta đang làm để bảo tồn tiếng nói các DTTS, tin rằng mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dân tộc sẽ nhận thức rõ hơn, không ai có thể làm thay và nêu cao vai trò tự thân, tự bảo vệ tiếng mẹ đẻ của mình, góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Lãnh đạo địa phương đến thăm và động viên đội ngũ Người có uy tín của tỉnh Đắk Lắk 

Khi đời sống phát triển, văn hóa đang có sự giao thoa mạnh mẽ thì những đóng góp của đội ngũ người có uy tín trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là rất đáng ghi nhận. Bởi việc làm thiết thực này không chỉ giúp lớp trẻ thêm yêu mến, trân trọng nét văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn giáo dục lòng tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc./.

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực