Bước qua tuổi 75, trong khi nhiều người chọn cuộc sống an nhàn bên con cháu thì già làng Hồ Văn Hạnh ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn miệt mài trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô cho lớp trẻ. Ngày cũng như đêm, bước chân ông in dấu khắp đại ngàn. Ngày đứng lớp truyền dạy cho các học viên về kỹ thuật điêu khắc gỗ, tối đến, ngay tại nhà mình, già Hạnh lại mở lớp dạy dân ca, dân vũ cho con cháu và những thanh niên trong làng. Trong căn nhà nhỏ của ông, những làn điệu Cha chấp, Ba booch, Ka lới của người Pa Cô cứ thế cất lên đến tận khuya.
|
Già làng Hồ Văn Hạnh gìn giữ, lan tỏa văn hóa đồng bào Pa Cô |
Sau ngày quê hương giải phóng, ông Hồ Văn Hạnh giữ nhiều cương vị ở địa phương, trong đó có 5 nhiệm kỳ là Bí thư Đảng ủy xã Hồng Trung, (nay là xã Trung Sơn), huyện A Lưới. Bận bịu công tác nhưng ông lại có điều kiện đi nhiều, gặp gỡ nhiều già làng, người có uy tín để tìm hiểu, ghi chép lại những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Đến năm 2010, được nghỉ hưu theo chế độ, ông lại càng dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, sưu tầm và truyền bá những giá trị văn hóa đó đến bà con. Ở huyện vùng cao A Lưới, lễ hội lớn nhỏ nào cũng có sự tham gia của nghệ nhân Hồ Văn Hạnh. Ông còn được mời dự nhiều chương trình, lễ hội văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, khu vực miền Trung và cả nước. Với những cống hiến của mình cho phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, năm 2019, già Hồ Văn Hạnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Say mê trao truyền cho lớp trẻ nhưng già Hạnh vẫn còn nhiều trăn trở khi văn hóa truyền thống của đồng bào mình ngày càng có nguy cơ mai một. Vì vậy, ông bảo rằng, bản thân mình phải luôn nỗ lực để truyền dạy và nhắc nhớ lớp trẻ về những giá trị văn hóa quý báu của cha ông.
Chia sẻ với chúng tôi, già làng Hồ Văn Hạnh kể rằng từ khi còn đang làm cán bộ, ông đã miệt mài sưu tầm, nghiên cứu những giá trị văn hóa của đồng bào mình thông qua việc thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu ở những già làng của các thôn, bản. Đó là kho tư liệu quý, cùng với việc say mê các làn điệu, nhạc cụ của người Pa Cô nên ông càng điêu luyện hơn khi biểu diễn. Ông biểu diễn được cồng chiêng, khèn bè, đàn nhị, thổi tù và, đánh trống… Nhiều năm qua, chính ông là người đã xây dựng các đội văn nghệ ở các thôn trên địa bàn xã, rồi truyền dạy những kiến thức của mình cho cộng đồng để giữ gìn và lan tỏa sâu rộng hơn. Những làn điệu cha chấp, ba bói, ca lơi… đặc trưng của đồng bào Pa Cô được già Hạnh truyền dạy đến từng người, đặc biệt là những bạn trẻ.
“Với trách nhiệm của một Nghệ nhân, tôi luôn tìm hiểu để truyền dạy cho con cháu những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại. Tôi tham gia nhiều lớp do huyện tổ chức như dạy về điêu khắc, dân ca dân vũ, các lễ hội… Hiện nay vấn đề truyền dạy rất khó vì con cháu mình bận học hành và làm nhiều việc khác, vì vậy mình phải có cách tuyên truyền, vận động để con cháu có ý thức mà theo học. Khi họ tích cực theo học thì mình mới truyền lại được văn hóa truyền thống”, ông Hạnh tâm sự.
|
Già làng Hồ Văn Hạnh (bên phải) truyền dạy đánh cồng chiêng |
Mới đây, trong những ngày đầu tháng 8/2023, già làng Hồ Văn Hạnh đã chủ trì kết nối các cộng đồng thôn làng trên địa bàn để tổ chức lễ hội A-riêu-ping truyền thống. Lễ hội đã thu hút rất đông các dòng họ trong thôn, xã và nhiều khách mời từ các nơi khác như huyện miền núi Nam Đông, các địa phương ở tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam… “Thông qua lễ hội này, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Pa Cô, đồng thời tạo được sự gắn kết giữa các địa phương, đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Nhiều nghi thức lạc hậu, không còn phù hợp đã được chúng tôi lược đi, chỉ giữ lại những “tinh hoa” văn hóa của dân tộc, phát huy những giá trị văn hóa phù hợp với cuộc sống hiện nay”, già làng Hồ Văn Hạnh cho biết.
Già Hồ Văn Hạnh trải lòng, văn hóa truyền thống là vốn quý của một dân tộc, mình còn sức là còn phải gìn giữ, bảo tồn: “Tuy tuổi già sức yếu tôi vẫn tích cực tuyên truyền bà con gìn giữ và bảo tồn truyền thống tốt đẹp của người Pa Cô. Từ những làn điệu dân ca, dân vũ, đến các lễ hội Aza koonh, Ariêu ping, Ariêu car… Tôi vẫn thường nói với lãnh đạo địa phương và lớp trẻ rằng, văn hóa truyền thống tốt đẹp là không thể bỏ được, mà phải gìn giữ, bảo tồn thì nó mới còn mãi với thời gian. Vì vậy, với trách nhiệm của một Đảng viên, già làng, tôi thường xuyên tham gia các lớp truyền dạy, lúc ở nhà cũng dạy cho đội văn nghệ của xã để các cháu có thể tham gia biểu diễn tại các lễ hội do huyện tổ chức”.
Từ sự truyền dạy của già làng, nghệ nhân Hồ Văn Hạnh, nhiều bạn trẻ Tà Ôi, Pa Cô đã có thể hát được các làn điệu dân ca Pa Cô, người lớn tuổi hơn thì biết nói lý, hát lý. Các nghề truyền thống của đồng bào như điêu khắc gỗ, đan lát, làm gốm cũng được ông trao truyền cho thế hệ trẻ thông qua các lớp do Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới tổ chức.
Anh Hồ Văn Ăm Phưa ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới chia sẻ: nhờ các nghệ nhân như ông Hồ Văn Hạnh mà mình có thể chế tác được các tác phẩm điêu khắc gỗ Pa Cô, nghệ nhân Hồ Văn Hạnh là người uy tín luôn được con cháu và thế hệ trẻ ở A Lưới kính trọng.
Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Hạnh là “kho tàng văn hóa sống” của đồng bào Pa Cô vùng cao A Lưới: “Bác Hồ Văn Hạnh là người am hiểu khá nhiều về văn hóa của đồng bào Pa Cô, đặc biệt là dân ca dân vũ và các lễ hội tiêu biểu. Thời gian qua, bác là người tiên phong trong việc trao truyền cho thế hệ trẻ những nét văn hóa này. Bác cũng hăng hái tham gia các lễ hội do huyện, tỉnh và khu vực tổ chức. Cùng với việc trao truyền, hướng dẫn cho lớp trẻ trong làng bản, cộng đồng thì bác cùng thường xuyên tuyên truyền, vận động để lớp trẻ thêm yêu văn hóa dân tộc mình./.