Người có uy tín ở thành phố Pleiku phát huy tốt vai trò trong phong trào phát triển kinh tế

Thứ hai, 02/10/2023 17:30
(ĐCSVN) - Với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm trong lao động, sản xuất và mong muốn được cống hiến cho xã hội, những Người có uy tín (NCUT) trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tích cực đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Đối với các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS của TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), những Người có uy tín đã làm tốt vai trò động viên con cháu, cộng đồng tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống nâng cao giá trị sản phẩm bán ra thị trường.

Năm nay đã 75 tuổi nhưng già làng Rơ Châm Ơm (làng C, xã Gào) vẫn cần mẫn chăm sóc hơn 1,5 ha cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mỗi năm, gia đình ông thu về trên 120 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Vì tiên phong gương mẫu nên ông Ơm được người dân trong làng nói chung, xã Gào nói riêng kính nể và được bầu làm Trưởng thôn giai đoạn 1994 - 1999, sau đó là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Năm 2012, sau khi nghỉ làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông được bà con tín nhiệm bầu làm già làng, NCUT cho đến nay.

Ông Ơm (ở giữa) thường xuyên trao đổi với cán bộ và người dân trong thôn về những vấn đề nảy sinh trong làng để có hướng giải quyết. Ảnh Nhật Hào 

Ông Ơm cho biết, làng C có 104 hộ, đa số đều làm nông nên vấn đề kỹ thuật có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vậy, ông tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật học được từ các buổi tham quan, tập huấn do địa phương tổ chức để sản xuất hiệu quả hơn. Đến nay, làng C có hơn 43 ha cà phê và 20 ha lúa nước 2 vụ. Ngoài ra, người dân còn nuôi thêm bò, dê, heo, gà để cải thiện thu nhập.

Kinh tế người dân làng C được cải thiện nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm 

Tuy nhiên, điều ông Ơm trăn trở nhất trong nhiều năm qua là làm sao để loại bỏ những tập tục lạc hậu gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ông Rơ Châm Ơm phấn khởi cho biết: “Trước đây, nổi lên trong làng là nạn tảo hôn và tang ma kéo dài. Vì thế, tôi thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu tảo hôn không những vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Nhờ vậy, 2 năm nay, làng không còn xảy ra tảo hôn nữa. Người dân cũng không còn tổ chức tang ma kéo dài 7 ngày như trước. Người dân cũng đã bỏ tổ chức đêm nhạc trước ngày cưới con để đỡ tốn kém và hạn chế phát sinh các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự”.

Ông Rơ Lan Nin (là người dân của làng C) bày tỏ: “Ông Ơm là già làng gương mẫu trong phát triển kinh tế và luôn vận động con cháu chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước nên dân làng rất tin tưởng nghe theo. Nhiều gia đình nhờ được ông chỉ bảo nên chăm sóc cà phê, lúa nước đạt năng suất cao, bảo ban con cháu nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không tham gia các tệ nạn xã hội, nói không với tảo hôn”. 

Còn ông Siu Khét - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn C thì cho hay: “Nhờ có ông Ơm tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động mà dân làng dần loại bỏ bớt những tập tục lạc hậu, chăm chỉ làm ăn để phát triển kinh tế. Làng hiện còn 1 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo; số hộ khá và giàu ngày càng tăng”./.

CTV Nhật Hào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực