Người uy tín tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế

Thứ hai, 28/08/2023 18:10
(ĐCSVN) – Với tinh thần cần cù, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, mong muốn cống hiến cho gia đình và xã hội, nhiều người có uy tín tỉnh Yên Bái là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế.

Những năm qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Yên Bái có bước đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, xây dựng nông thôn mới là điểm sáng của khu vực Tây Bắc…. Có được những thành quả đạt đó không thể không nói đến những đóng góp tích cực của đội ngũ những Người có uy tín trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội tại cơ sở.

Ông Trần Văn Nguyên, sinh năm 1954, dân tộc Cao Lan là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Ngòi Giàng, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyên cho biết: "Bản thân tôi được nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu làm người uy tín từ năm 2018, với vai trò, trách nhiệm của mình, tôi luôn trăn trở làm sao cho nhân dân trong thôn bớt nghèo, bớt khổ”.
 

Ông Trần Văn Nguyên, Người uy tín tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình 

Ông Trần Văn Nguyên hiểu rõ, muốn vận động được bà con dân tộc trong thôn hiểu và tin thì bản thân phải gương mẫu làm trước, mọi người thấy được hiệu quả rồi sẽ học tập làm theo. Do vậy, tôi đã nghiên cứu, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của gia đình, tôi đã trồng trên 200 gốc bưởi Diễn, 2 vạn cây quế và đào 3 sào ao nuôi cá… Việc chuyển đổi đó đã từng bước đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Với những kinh nghiệm hiểu biết của mình, cùng với những kiến thức được tiếp thu qua các lớp tập huấn, ông đã cùng cấp ủy Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể không ngại khổ, không ngại khó trực tiếp đến từng hộ gia đình trong thôn, xóm để tuyên truyền, vận động bà con tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, cây con giống được Nhà nước hỗ trợ qua các chương trình, dự án; đồng thời tích cực chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất để bà con trong thôn áp dụng.  Vì vậy, nhiều hộ gia đình trong thôn đã có sự thay đổi trong phương thức sản xuất, nhiều hộ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo và có hộ vươn lên làm giàu. 

Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, ông Nguyên và những người uy tín của xã cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới, nhất là tích cực vận động nhân dân hiến đất mở rộng làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, sân thể thao, tham gia đóng góp ngày công tu sửa nâng cấp đường bê tông nội thôn, liên thôn, kênh mương thủy lợi và Phong trào "Thắp sáng đường quê”.

Đặc biệt, trong năm 2023, xã Bạch Hà rất phấn khởi khi được Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Bạch Hà - Yên Bình - Vũ Linh, tuyến đường chạy qua địa phận Bạch Hà là 5 km. Ngay sau khi tuyến đường được khảo sát thiết kế và tổ chức thi công, ông Nguyên đã cùng cơ sở thôn tuyên truyền, vận động dân nhân kịp thời giải tỏa hành lang không có đền bù, bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công tuyến Bạch Hà đạt kết quả tốt.

Ngoài ra, thôn Ngòi Giàng còn xây dựng được các tổ tự quản để quản lý các công việc được giao như về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, điện thắp sáng đường quê, các tổ tự quản ngày hoạt động rất hiệu quả; xây dựng và duy trì mô hình Gia đình toàn mỹ, nhóm tiết kiệm tín dụng...

Với kinh nghiệm bề dày 32 năm làm trưởng thôn, Bí thư chi bộ, 7 năm là Người có uy tín trong thôn xã Tân Hợp (huyện Văn Yên), ông Bàn Văn Kim đã cùng với cấp uỷ, các tổ chức đoàn thể trong thôn tích cực vận động, tuyên truyền để bà con tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, bà con dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn mở rộng sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và thử nghiệm các giống cây, con có hiệu quả hơn.

Bàn Văn Kim tích cực vận động, tuyên truyền để bà con chuyển đổi cơ cấu
cây trồng, vật nuôi 

Phát huy lợi thế đất sản xuất lâm nghiệp và truyền thống trồng quế của người Dao, ông Bàn Văn Kim đã tích cực vận động các hộ gia đình trong thôn tận dụng đất đai để trồng quế, phát triển kinh tế đồi rừng. Đến nay thôn Làng Câu đã có trên 500 ha quế, các hộ trong thôn đều có ít nhất từ 3 ha quế trở lên, nhiều hộ gia đình có từ 20 đến 30 ha quế, riêng gia đình ông có trên 15 ha quế đã cho thu hoạch. Nhờ đó, từ một thôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, đến nay Làng Câu chỉ còn 7% hộ nghèo, nhiều gia đình đã trở nên khá giàu với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Với những đóng góp thiết thực, có hiệu quả, ông Bàn Văn Kim đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành.

Bản Đề Chờ Chua B, xã Púng Luông, là một trong những bản đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải. Toàn xã có 61 hộ, 313 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông, trình độ dân trí không đồng đều, một số hủ tục lạc hậu chưa được xóa bỏ. Là người có uy tín trong bản, anh Giàng A Sàng luôn xác định phải cố gắng vươn lên, tích cực vận động bà con trong bản chung tay xây dựng cuộc mới no ấm, hạnh phúc.

Bằng uy tín của mình, anh Giàng A Sàng đã cùng với cán bộ thôn, xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng Nhà nước tích cực cùng nhau thi đua lao động và phát triển sản xuất. 

Cùng với các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, mọi người phải biết nỗ lực lao động sản xuất, khắc phục khó khăn, biết cách phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, bão lũ, phòng chống rét đậm, rét hại; tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi… 

Anh Giàng A Sàng là tấm gương sáng ở bản Đề Chờ Chua B.  

Thấy được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, anh Giàng A Sàng đã cùng với Chi ủy Chi bộ, cán bộ các đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, sửa chữa, cải tạo lại trường, lớp học, các trục đường liên bản được đông đảo nhân dân đồng tình tham gia. 

Kết quả, nhân dân đã đóng góp 350 ngày công lao động; có 19 hộ gia đình hiến 3.275 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn của bản, đảm bảo ô tô và xe máy đi lại thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa của nhân dân trong bản, trong vùng. 

Cuộc sống mới đã và đang đổi thay từng ngày trên bản Mông Đề Chờ Chua B, xã Púng Luông. Thành quả đó là sự sâu sát trong lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và đồng bào trong thôn, trong xã, trong đó vai trò cùng những đóng góp thầm lặng của Giàng A Sàng  - người có uy tín của bản Đề Chờ Chua B./.

 
CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực