Về Điện Biên, chúng tôi gặp Ông Pờ Dần Xinh, 62 tuổi, dân tộc Hà Nhì (thôn Tả Khố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố ông - cụ Pờ Pố Chừ là một trong những đảng viên đầu tiên trên vùng biên viễn xa xôi nhất phía cực Tây của Tổ quốc, vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, nơi “một con gà gáy ba nước nghe chung”.
Ông Pờ Dần Xinh nguyên là chiến sỹ Công an, rồi phát triển, kinh qua nhiều chức vụ như Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu trong gần 20 năm. Trên vùng đất xa xôi, khó khăn này, ông Pờ Dần Xinh là người đầu tiên làm nhà mái ngói (năm 1994), người đầu tiên mua xe máy (năm 2005), người đầu tiên đào ao thả cá (2006), người đầu tiên có con trai tốt nghiệp đại học (năm 2009). Giờ thì cả 4 người con của ông đều là đảng viên.
Ông Pờ Dần Xinh làm được nhiều việc "đầu tiên" trên mảnh đất biên cương xa xôi không phải từ lợi lộc do chức vụ mang lại, mà từ cách ông mạnh dạn, đi đầu làm kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng - rừng (VACR). Giờ đây, tuy tuổi đã cao, nhưng ông Pờ Dần Xinh vẫn chăn nuôi đàn bò hơn 30 con (có lúc cao điểm lên đến 200 con) và trồng 50 ha rừng kinh tế.
Khi nghỉ hưu (năm 2015) ông Pờ Dần Xinh vẫn tích cực tham gia các hoạt động của chi bộ và thôn bản, được người dân địa phương bầu chọn là NCUT. Ông đã vận động người Hà Nhì tích cực trồng rừng và chăn nuôi gia súc, mang lại thu nhập ổn định 70 - 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, tính riêng chăn nuôi, xã Sín Thầu có số lượng lớn gia súc lên đến 10.000 con. Kinh tế hộ gia đình đã thật sự giúp xã vùng biên đổi thay, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm.
Những việc làm thiết thực, hiệu quả của ông Pờ Dần Xinh đã viết tiếp truyền thống của cha ông, truyền ngọn lửa cách mạng cho các thế hệ người Hà Nhì nơi vùng cao Tây Bắc đổi đời vươn lên.
Nặm Khiếu, xã Nhạn Môn, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn là thôn đặc biệt khó khăn. Nơi đây có hai dân tộc Mông, Dao cùng sinh sống. Ông Thào Minh Khyào là người dân tộc Mông, được người dân trong thôn tín nhiệm bầu chọn là NCUT.
Ông Thào Minh Khyào hiểu rõ trách nhiệm của mình là phải vun đắp, củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc trong thôn. Vì thế, ông luôn dành thời gian tuyên truyền, vận động bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa âm mưu của các thế lực xấu hòng chia rẽ dân tộc, gây mất ổn định chính trị trong thôn.
Ông đã nghiên cứu, vận dụng thành công phong tục tập quán của các dân tộc, quy ước, hương ước của thôn để thuyết phục các bên khi có tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra. Từ năm 2009 đến nay, ông Thào Minh Khyào đã hòa giải thành công 34 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, không để xảy ra đơn thư khiếu nại vượt cấp, không để mất đoàn kết nội bộ giữa các cá nhân, hộ gia đình. Khối đại đoàn kết toàn thôn luôn được xây dựng và củng cố vững chắc.
Già làng A Blong, dân tộc Rơ Măm - NCUT của đồng bào dân tộc thiểu số làng Le, thuộc xã biên giới, đặc biệt khó khăn Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất của dân làng đã được cải thiện nhiều. Bà con không còn bị đói, rét. Nhiều gia đình có ti vi để xem, có đài để nghe, có điện thoại để thông tin liên lạc, có xe máy để đi lại… Một số gia đình khá giả hơn còn có xe công nông, xe tải…
Vui sướng trước sự đổi thay của quê hương song điều khiến Già làng A Blong trăn trở là văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Bởi vậy, Già đã tích cực phối hợp với chính quyền và cơ quan chuyên môn sưu tầm, phục dựng, lưu giữ những lễ hội truyền thống; tổ chức truyền dạy cồng, chiêng cho con, cháu trong làng…
Nhờ những nỗ lực của Già làng A Blong, người Rơ Măm làng Le đã duy trì thường xuyên các hoạt động cộng đồng như hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao tại nhà Rông văn hóa của làng. Toàn làng còn lưu giữ 34 bộ chiêng quý, duy trì nhiều lễ hội truyền thống như: “Thổi tai”, “Ma chay”, “Bỏ mả”, “Lễ phát rẫy”, “Trỉa lúa”, “Mở kho lúa”… và các loại hình trình diễn nghệ thuật dân gia như cồng, chiêng, múa xoang, hát ru, hát giao duyên, sử thi... Đặc biệt, người Rơ Măm đã chủ động bỏ các hủ tục lạc hậu như khi có người ốm đau thì cúng Yang, không còn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Mỗi cá nhân NCUT có mức độ đóng góp, ảnh hưởng khác nhau trong cộng đồng nhưng ở họ đều có một điểm chung, đó là sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, lời nói có trọng lượng, có sức thuyết phục, nói đi đôi với làm, nên đã tạo dựng được niềm tin với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương. Họ có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển ở cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt các hoạt động tự quản của cộng đồng… mà không phải chỉ có chính sách, pháp luật, có lực lượng, có nguồn lực là thực hiện được mọi việc ở cơ sở như nhiều người vẫn thường nghĩ.