Những người giữ gìn nét văn hóa đồng bào dân tộc ở Như Xuân, Thanh Hóa

Thứ hai, 09/10/2023 10:30
(ĐCSVN)- Đồng bào dân tộc Thổ cũng như các dân tộc khác ở huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa có những nét đặc sắc riêng trong đời sống sinh hoạt, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa văn nghệ. Những nét văn hóa này đang được những Người có uy tín phát huy, bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay.

Theo lãnh đạo huyện Như Xuân: trên địa bàn huyện có rất nhiều Người có uy tín đang phát huy vai trò trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều mô hình điển hình tiên tiến về xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào các dân tộc đã được hình thành và phát triển, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc như các lễ hội, Tết cổ truyền của dân tộc, các phong tục tập quán khác của địa phương, tổ chức sưu tầm và giữ gìn các điệu hát, múa, các sản phẩm văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số có giá trị nhân văn sâu sắc để bảo tồn, truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Tiêu biểu trong hoạt động này có bà Lương Thị Luyện, dân tộc Thái thôn Đồng Thanh, xã Thượng Ninh; ông Lang Văn Chức, dân tộc Thái thôn Quăn 1, xã Thanh Sơn; bà Quách Thị Lan, dân tộc Mường, Khu phố Lúng, thị trấn Yên Cát 

Bảo tồn các giá trị văn hóa để truyền dạy cho các thế hệ trẻ 

Với vai trò là người uy tín, ông Lê Văn Tình, dân tộc Thổ ở Khu phố 4, thị trấn Yên Cát được bà con quý mến bởi có nhiều đóng góp cho Khu phố, ông luôn tích cực đi đầu trong mọi phong trào do địa phương tổ chức và không ngừng vận động bà con chăm lo làm ăn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Điều mà ông trăn trở nhất là những năm trở lại đây văn hóa truyền thống dân tộc ngày càng phai nhạt. Vì vậy, dù đã đến tuổi 70, nhưng ông vẫn tìm, sưu tầm cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc Thổ. Một việc làm nữa của ông cũng được nhân dân và các cấp chính quyền đánh giá cao, đó là với vai trò là Trưởng Hội đồng dòng họ Lê ở huyện Như Xuân, ông đã kêu gọi các nhà tài trợ trong dòng họ đóng góp tiền trùng tu và tôn tạo đền Thi, thờ Tướng quân Lê Phúc Thành, vị tướng có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đền Thi đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh và là một nét văn hóa tâm linh mang đậm màu sắc trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ, huyện Như Xuân.

Bằng kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình, tại các buổi họp Khu, sinh hoạt cộng đồng, ông đều lồng ghép và nêu bật ý nghĩa của việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Những lúc rảnh rỗi, ông đều tìm đến từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ, phát huy phong tục, bản sắc văn hóa của dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan
Ông Tình cho biết: “Văn hóa truyền thống của người Thổ rất phong phú, nếu mình không tìm cách gìn giữ thì sẽ mất hết. Vì vậy, với trách nhiệm của mình, tôi cố gắng động viên, khuyến khích bà con phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc. Không phải là điều gì cao xa cả mà là những phong tục, tập quán tốt đẹp, cách ăn ở, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ hàng ngày của chính đồng bào mà thôi”

Giữ gìn, bảo quản bộ cồng chiêng là việc làm hàng ngày của Người có uy tín Lê Văn Tình

Ngoài những việc làm trên thì ông còn vận động bà con đóng góp ngày công mở rộng hành lang giao thông tại khu phố, đóng góp tiền, công xây dựng để làm mới một nhà văn hóa hiến đất làm bệnh viện và còn rất nhiều việc làm khác nhờ sự khéo léo trong giao tiếp, ứng xử, các phong trào hoạt động do ông Tình phát động đều được bà con trong khu phố đồng thuận, tích cực hưởng ứng.

 
CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực