|
Ông Hồ Văn Ôn dẫn đầu Tổ tự quản của thôn A Niêng Lê Triêng 1 trong một lần tuần tra bảo vệ biên giới |
Những “mốc sống” giữa đại ngàn
Không cần ai khen, chẳng cần ai thưởng, nhiều năm nay, ông Hồ Văn Ôn Bí thư Chi bộ thôn A Niêng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), người có uy tín trong đồng bào DTTS, luôn chăm chăm tuyên truyền cho bà con tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Với trách nhiệm Tổ trưởng Tổ tự quản số 2 của thôn A Niêng Lê Triêng 1, ông luôn vận động các thành viên trong tổ phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân tuần tra bảo vệ biên giới.
Trải qua bao năm tháng dãi dầu trên vùng đất biên cương nên trông ông đậm chất miền sơn cước. Quá trình miệt mài tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, ông được đồng bào ở đây gọi với cách thân thương là “chiến sĩ biên phòng áo vải”. ông Hồ Văn Ôn chia sẻ, Tổ tự quản số 2 của thôn A Niêng Lê Triêng 1 được thành lập từ năm 2016 với 31 hộ gia đình đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Hàng tháng, các thành viên trong tổ tự quản vận động bà con nhân dân tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuần trà theo định kỳ và đột xuất khi có vụ việc xảy ra ở khu vực biên giới. Trong năm qua, Tổ đã duy trì kiểm tra, kiểm soát và chăm sóc 2 cột mộc 647 và 648 do Đồn BPCK Hồng Vân quản lý, với gần 30 đợt, trên 590 lượt thành viên tham gia.
Hàng quý, Tổ tự quản kết hợp với các đoàn thể trong thôn tổ chức sinh hoạt nhằm đánh giá quá trình thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Trong mỗi đợt sinh hoạt, ông Ôn lại tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của gia đình, cộng đồng khi tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh khu vực biên giới.
Thượng tá Trần Văn Tuyển, Chính trị viên Đồn BPCK Hồng Vân cho rằng: Với sự tận tâm, trách nhiệm của Bí thư Chi bộ Hồ Văn Ôn, bà con nơi đây đã có ý thức bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia. Đến nay, 100% hộ gia đình ở xã Trung Sơn đã ký cam kết tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc. Hàng tháng các tổ tự quản đều tổ chức tuần tra dọc đường biên giới. Do được bồi dưỡng kiến thức về hoạt động tự quản, khi có hiện tượng lạ, hoặc người lạ xuất hiện, bà con đồng bào các DTTS liền báo ngay với lực lượng chức năng. Có thể nói, qua phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, mỗi người dân ở đây đã trở thành những “cột mốc sống” giữa đại ngàn, góp sức giúp cho lực lượng biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
|
Già làng Nguyễn Minh Sang cùng người dân thôn A Tin và cán bộ Đồn BPCK A Đớt trên đường tuần tra kết hợp sang giúp dân bản Ka Lô (Lào) |
Thắm tình trên biên giới
Già làng Nguyễn Minh Sang năm nay đã hơn 60 tuổi, gần 35 năm tuổi đảng nhưng trông vẫn tráng kiện, tinh nhanh đến lạ. Người dân thôn A Tin, xã Lâm Đớt (huyện A Lưới) thường ví ông chỉ xem việc bảo vệ và vun đắp tình hữu nghị trên biên giới là công việc thường nhật.
Thôn A Tin và bản Ka Lô (huyện Kà Lùm, tỉnh Kê Kông, Lào) chỉ cách nhau vài quả đồi nhưng đường đi rất cách trở. Bà con nơi đây vốn có quan hệ thân tộc lâu đời. Từ khi phân chia biên giới, hai bản có một số vấn đề cần được quan tâm giải quyết như xâm canh, xâm cư, không đăng ký kết hôn khác quốc tịch, khai thác lâm thổ sản trái phép... Trước tình hình ấy, già Sang cùng những người trong bản đã ngồi lại bàn cách tháo gỡ.
Chỉ bằng lời nói thì chẳng thể làm nên chuyện, nghĩ vậy, già Sang cùng bà con trong thôn A Tin và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt lặn lội sang bản Ka Lô giúp bạn vỡ đất trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình. Hành trang mang theo là những câu chuyện về tình cảm gắn bó keo sơn Việt – Lào. Bên bếp lửa nhà sàn, già Sang và nhân dân bản Ka Lô có dịp kể lại câu chuyện về cuộc chiến mình từng tham gia để góp phần giải phóng nước bạn Lào. Cứ thế, tình hữu nghị giữa hai bên càng thắm đượm lại.
Không ngần ngại trước gian khó, ở đất bạn, già Sang cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt làm việc quần quật suốt ngày, nhiều hôm trời tối mịt mới trở về. Từng đi nhiều, biết rộng, ông tư vấn giúp dân bạn trồng sắn, chuối và keo tai tượng ở các ngọn đồi cao. Vùng bình địa được tận dụng để trồng lúa, cây ăn quả, nuôi các loại gia súc, gia cầm và đào ao thả cá…
Nắm bàn tay chai sần của già Sang, trưởng bản Ka Lô, ông Son Chăn ân cần chia sẻ: “Bà con thôn A Tin đến với chúng tôi bằng tấm lòng nên dân bản Ka Lô rất quý. Giờ, dân hai bản đã là anh em một nhà, ta cùng chung sức để bảo vệ biên giới”.
Già Sang vui mừng chia sẻ: “Tôi rất vui khi bà con hai bản A Tin và Ka Lô đều tình nguyện làm tai mắt cho lực lượng chức năng. Bản thân tôi tuy tuổi đã lớn nhưng cũng sẽ cống hiến hết mình”.
Xem dân bản Ka Lô là người một nhà, già Sang luôn vận động bà con trong thôn mình tìm cách giúp đỡ các hộ khó khăn ở bản Bạn. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần sang bản Ka Lô ông đều gùi thêm giống sắn, chuối, keo tai tượng theo để tặng các hộ nghèo. Nhiều khi ông còn nhiệt tình ở lại để hướng dẫn bà con cách làm đất, trồng trọt. Không dừng lại đó, già Sang còn vận động người dân thôn A Tin gom góp hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết cho dân bản Ka Lô. Phong trào “chung sức nhau cùng phát triển” của đồng bào hai bên nhờ thế ngày càng vững mạnh. Điều làm già Sang và người dân thôn A Tin vui mừng nhất là đời sống của bà con bản Ka Lô giờ đây đã được cải thiện đáng kể.
Ngày nay, đến bản Ka Lô, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy những rừng chuối, sắn trải dài, xanh ngút tầm mắt. Dân hai thôn - bản thường bảo đây là sắc màu của sự bình yên, no ấm, biểu hiện sinh động tình hữu nghị Việt - Lào. Để làm nên sắc xanh ấy, già Sang cùng rất nhiều người dân A Tin đã cùng bộ đội biên phòng “thắp lửa tình hữu nghị”, cống hiến tâm sức một cách vô điều kiện vì bình yên trên biên giới.