Tỉnh Thái Nguyên hiện có 51 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Tổng số người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay được công nhận là 821 người. Dù ở các lứa tuổi, cương vị khác nhau, nhưng họ đều có tâm huyết, hết lòng vì bản làng, thôn xóm; tích cực vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các cuộc vận động trọng tâm trong giai đoạn hiện nay với các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.
Trong số đó có anh Lâm Văn Hùng, dân tộc Nùng, người có uy tín xóm Vân Hòa, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Anh Hùng không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương mà còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. "Tôi là cán bộ xã đã trên 15 năm. Để phát triển kinh tế tôi cũng mạnh dạn đầu tư và sản xuất chế biến chè, tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về khoa học kỹ thuật, chế biến và chăm sóc cây chè để làm sao đạt hiệu quả cao nhất". Anh Hùng chia sẻ.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Hùng còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong xóm chuyển đổi từ cây chè trung du sang trồng các loại chè giống mới. Anh cùng cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè. Nhờ đó, đến nay xóm có khoảng 70ha trồng chè lai F1.
Chị Phạm Thị Hùy, một người dân trong xóm, cho hay: Gia đình tôi có 3 sào chè, cách đây 7 năm khi được anh Hùng và cán bộ nông nghiệp xã tuyên truyền về hiệu quả kinh tế mà các giống chè mới đem lại, tôi đã chuyển đổi giống chè cũ sang trồng chè lai F1. Khi mới đưa cây chè lai F1 vào trồng, tôi được anh Hùng tận tình hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thu hái chè. Ngoài ra, anh Hùng còn thu mua chè tươi của gia đình với giá trung bình từ 30-35 nghìn đồng/kg.
|
Anh Lâm Văn Hùng hướng dẫn bà con thu hái chè theo yêu cầu của khách hàng. Ảnh Vũ Công |
Cũng như anh Lâm Văn Hùng, ông Lã Văn Dần, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ xóm Cầu Sào, xã Đức Lương, huyện Đại Từ là tấm gương tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới; ông Dương Văn Chính, dân tộc Nùng, Trưởng xóm Làng Vàng, xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên là cán bộ tiêu biểu trong lĩnh vực an ninh trật tự; ông Lê Văn Lợi, dân tộc Sán Dìu, Trưởng xóm và là người tiêu biểu, có uy tín ở xóm Vạn Phú, xã Thành Công, thành phố Phổ Yên là tấm gương tiêu biểu trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế; ông Lý Văn Sài, dân tộc Mông là Trưởng xóm và là người có uy tín ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương tiêu biểu trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng đời sống mới… là những người có uy tín tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.
|
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tặng quà các đại biểu là người dân tộc, người có uy tín tiêu biểu. Ảnh Kiều Hoa |
Ông Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Thực tiễn cho thấy những người có uy tín là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần giúp các cơ quan trong hệ thống chính trị tổ chức tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời qua “kênh” người có uy tín nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân gửi tới Đảng, Nhà nước.
Do đó, trong thời gian tới, đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì Ban Dân tộc tỉnh sẽ chú trọng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để về tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt chúng tôi sẽ tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng và tăng cường cho các đại biểu, người có uy tín đi tham quan học tập kinh nghiệm ở trong và ngoại tỉnh để các đại biểu, người có uy tín thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình tại địa phương.