Ông Nông Văn Huấn, dân tộc Tày là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng xóm Cây Hồng xã Yên Lãng huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, được bà con nhân dân tín nhiệm tin tưởng bầu là Người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, bản thân ông luôn phát huy trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chú trọng đến việc phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, là chỗ dựa tin cậy trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Là tấm gương sáng trong cộng đồng thôn xóm, được đồng bào tin tưởng, kính trọng, có tác động chi phối, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế xã hội, gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ sở.
|
Người dân xã Yên Lãng áp dụng khoa học kỹ thuật vào mở rộng đồi chè để cho năng suất cao |
Ngoài ra ông cũng vận động bà con trong xóm tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, ông Huấn cùng cán bộ khuyến nông đã hướng bà con kỹ thuật chăn nuôi gia súc, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào mở rộng đồi chè để cho năng suất cao hơn, đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ đời sống Nhân dân... Từ sự năng động, tâm huyết của người cán bộ "đầu tàu" cùng những nỗ lực, đồng lòng của người dân xóm Cây Hồng, đến nay, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, nâng cao. Bản thân ông và gia đình đã tự nguyện bàn giao mấy trăm mét đất canh tác để phục vụ cho việc khai thác tài nguyên của công ty than Núi Hồng
Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, ông còn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình để làm gương cho bà con học tập. Ông Huấn chia sẻ: Từ những trăn trở và khó khăn bước đầu về tư liệu sản xuất nên gia đình ông đã mạnh dạn khảo sát thị trường, học hỏi kinh nghiệm huy động vốn để đầu tư vào sản xuất chế biến gỗ lâm sản kết hợp với dịch vụ kinh doanh vận tải hàng hóa. Lúc ban đầu gặp không ít khó khăn như thiếu vốn, thị trường bao tiêu sản phẩm chưa ổn định, kinh nghiệm quản lý kinh doanh còn thiếu.
Qua 2 năm bằng những việc làm thực tế nên công việc dần ổn định, hiện nay cơ sở sản xuất của gia đình ông đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng từ 35 đến 40 lao động đều là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã với mức thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng, trừ các khoản chi phí mỗi tháng gia đình ông thu về khoảng 80 đến 90 triệu đồng.
|
Xưởng chế biến gỗ của ông Huấn đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương |
Ông chia sẻ thêm: Bản thân tôi rất mong muốn được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với mọi Người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và đồng thời đề nghị các cấp có thẩm quyền, các ngành có liên quan quan tâm hơn nữa để đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số xã Yên Lãng nói riêng có nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín có vị trí đặc biệt, có ảnh hưởng to lớn trong vùng đồng bào dân tộc. Họ đều có một điểm chung là sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm; đặc biệt phần lớn họ là hạt nhân phát triển kinh tế ở địa phương, vì vậy, họ luôn được đồng bào tín nhiệm, tôn trọng, tin tưởng...
Với những mô hình và định hướng phát triển kinh tế cũng như phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, bản thân ông Huấn đã 3 lần được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tặng giấy khen và phần thưởng cũng như nhiều giấy khen của UBND huyện Đại Từ và UBND xã Yên Lãng.