Quảng Hòa (Cao Bằng) phát triển làng nghề gắn với xóa đói giảm nghèo trong đồng bào DTTS

Thứ tư, 06/09/2023 15:51
(ĐCSVN) - Để thúc đẩy tăng trưởng làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng, xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng tiếp tục có cơ chế chính sách khuyến khích các địa phương xây dựng hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng đi đôi với việc quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Nghề rèn mang lại thu nhập cao cho người dân xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Hòa). 

Nghề rèn là một trong nghề truyền thống của đồng bào việc duy trì và phát triển nghề rèn truyền thống là yêu cầu thực tế giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo. Gia đình ông Nông Minh Chấn, xóm Phja Chang, xã Phúc Sen là một ví dụ duy trì nghề rèn thường xuyên có việc làm và thu nhập ổn định. Hiện, cả 3 người con của ông đều theo nghề rèn và trở thành những thợ chính có tay nghề kỹ thuật cao.

Ông Nông Minh Chấn cho biết: Trung bình mỗi ngày, gia đình làm được 15 sản phẩm các loại. Chủ yếu là dao phay chuyên thái, dao chặt dùng trong nhà bếp và loại dao rựa để chặt cây, thái chuối, băm rau lợn… Những năm gần đây, việc kinh doanh sản phẩm rèn rất phát triển, nhất là sau khi xã trở thành một điểm dừng nghỉ trên tuyến du lịch tham quan Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, lượng khách du lịch tăng lên đáng kể. Vì vậy, gia đình chủ động nghiên cứu phát triển lên khoảng 50 sản phẩm rèn, cải tiến mẫu mã phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Với giá bán từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm, cùng với bày bán thêm một số sản phẩm đặc trưng nông nghiệp địa phương như: khoai lang, củ cải trắng, su su, bí xanh… thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể, trừ chi phí thu trên 150 triệu đồng/năm.

Đến nay, xã Phúc Sen có hơn 140 lò rèn truyền thống, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Sản phẩm của làng rèn Phúc Sen được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, không những được tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài. Trung bình mỗi năm nghề rèn mang lại thu nhập cho xã Phúc Sen hơn 18 tỷ đồng, bình quân thu nhập đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với nghề rèn, làng sản xuất hương truyền thống của xóm Đoàn Kết, xã Phúc Sen được bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ. Đặc biệt trong những năm gần đây, hạ tầng nông thôn cũng như các chương trình hỗ trợ phát triển làng nghề, NTM, phát triển du lịch cộng đồng được triển khai đã tạo điều kiện cho người dân mở rộng quy mô sản xuất. Nghề làm hương nhờ đó phát triển hơn, sản phẩm tiêu thụ tăng lên, thị trường được mở rộng. Hiện nay, xóm có 50/104 hộ làm nghề với mức thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/hộ/tháng, cao điểm thu nhập tăng lên 7 - 8 triệu đồng/hộ/tháng. Những hộ có nhân lực, biết cách làm và bán được sản phẩm cho thu nhập trung bình đạt trên 50 triệu đồng/năm.

Anh Hoàng Văn Vinh, xóm Đoàn Kết, xã Phúc Sen cho rằng: Để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như giảm sức lao động, tôi đầu tư máy móc rút ngắn một số công đoạn trong quy trình làm hương; chịu khó tìm tòi đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm; khai thác thế mạnh du lịch cộng đồng, sử dụng điện thoại thông minh giới thiệu và bán sản phẩm, từ đó, hàng hóa tiêu thụ thuận lợi hơn, thu nhập tăng lên.

Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen Đàm Đình Đạo cho biết: Xã ban hành các nghị quyết về phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn. Phân công nhiệm vụ và giao cho cán bộ phụ trách đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn các làng nghề tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, kinh phí từ các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất mở rộng mặt bằng, xây dựng các gian trưng bày hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã bắt mắt; kết nối các điểm bán hàng với khách tham quan du lịch trải nghiệm, khám phá và giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm đến thị trường tiêu dùng các tỉnh, thành phố; mở các trang facebook, zalo tương tác với khách hàng tạo sự chú ý của người tiêu dùng.

Huyện Quảng Hòa hiện có 6 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận với tổng doanh thu ước đạt hơn 30 tỷ đồng/năm, gồm: làng nghề rèn Phúc Sen, làng nghề hương Phja Thắp (nay là xóm Đoàn Kết), làng nghề giấy bản Quốc Dân; làng nghề làm đường phên Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận; làng nghề làm nón lá Hoàng Diệu, xóm Hoàng Diệu và làng nghề làm ngói đất nung Lũng Rì, xóm Lũng Rì, xã Tự Do. Các làng nghề truyền thống góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 3.000 lao động nông thôn. Ngoài ra, huyện có 11 sản phẩm ngành nghề nông thôn được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Có 4 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác đầu tư vào làng nghề, ngành nghề nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa Hoàng Thị Hiếu cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 337 của UBND tỉnh về Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề gắn việc bảo vệ môi trường sinh thái. Nêu cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc lập kế hoạch, quy hoạch phát triển làng nghề gắn với sản phẩm OCOP phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ cơ sở sản xuất có kiến thức về tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các mô hình du lịch tại các làng nghề bảo đảm phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả, thiết thực.

Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ, cơ sở hoạt động trong làng nghề được vay vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm đổi mới thiết bị, công nghệ, sản xuất mặt hàng mới. Khuyến khích các cơ sở thuộc làng nghề nông thôn đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, hiện đại hóa công nghệ truyền thống theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ truyền thống. Hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, tích cực tham gia các hội chợ làng nghề, quảng bá thương hiệu sản phẩm mới mở rộng thị trường xuất khẩu… Phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; khôi phục, bảo tồn được ít nhất 2 làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 1 làng nghề truyền thống; phát triển 5 làng nghề gắn với du lịch. Trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 40% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).../.

Thái Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực