Ngoài Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội LHPN tỉnh cũng được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao triển khai các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới. Chỉ tính riêng Hội LHPN tỉnh, trong năm 2022, đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Y tế tổ chức 2 lớp tập huấn về thực hiện chương trình bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Các đơn vị như Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội LHPN thường xuyên tăng cường chương trình phối hợp với các ban, ngành khác có liên quan cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo và triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới.
Các hoạt động thông tin, truyền thông, vận động cũng được các cấp của tỉnh đẩy mạnh, đặc biệt thông qua các tổ truyền thông cộng đồng, thông qua mạng xã hội , qua các website của các huyện, thị xã; hội phụ nữ các cấp... tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, các mục tiêu, chương trình thực hiện bình đẳng giới cũng như chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; lan tỏa trong các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh, nhất là với khối phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn.
|
Các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, thực hiện Luật Bình đẳng giới được triển khai rộng khắp ở Đắk Lắk. |
Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai chương trình cho 50 đại biểu là lãnh đạo các Sở, ban, ngành; tổ chức lớp tập huấn giảng viên nguồn 2022 cho 64 cán bộ Hội cơ sở và Phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh. Ở cấp huyện, thị xã, đã tổ chức mở lớp tập huấn cho 2.145 cán bộ tại 8 huyện Ea Súp, Krông Ana, Cư M’gar, Ea H’len, M’Drak, Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ.
Toàn tỉnh đã thành lập được 62/312 tổ truyền thông cộng đồng, ra mắt các mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng, đặc biệt tại xã Cư Ni, xã Ea Sô huyện Ea Kar; xã Dang Kang (huyện Krông Bông), xã Đăk Liêng (huyện Lăk), xã Krông Jing (huyện M’Đrăk), xã Ea Nuôi (huyện Buôn Đôn)...
Trong 2 năm 2021-2022, tỉnh có 65/152 xã đạt chỉ tiêu về đảm bảo bình đẳng giới; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống xâm hại trẻ em; bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn; bảo vệ hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực gia đình và đời sống xã hội. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 90/184 xã, phường, thị trấn có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, 784 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 501 đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình. Các mô hình đã phát huy hiêu quả trong triển khai tuyên truyền, vận động, nắm bắt thông tin và tổ chức các biện pháp can thiệp hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tuy nhiên một số ít mô hình cơ sở chưa duy trì sinh hoạt đều đặn. Ngoài ra, việc thực hiện Đề án 938 về “Tuyên truyền giáo dục, vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan tới phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2027” được triển khai rộng khắp, giúp cho hơn 2.000 hội viên tiếp cận nguồn lực thực hiện các dự án phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hơn 700 hội viên, phụ nữ và trẻ em yếu thế, dễ bị tổn thương cùng các đối tượng khác được bảo vệ, chăm sóc và giúp đỡ, thúc đẩy bình đẳng giới cả trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, khởi nghiệp...
Cũng với đó, toàn tỉnh đã tổ chức được 589 cuộc, phát 25.000 tài liệu truyền thông cộng đồng về giáo dục đạo đức, lối sống, các mối quan hệ và bộ quy tắc ứng xử trong gia đình; giáo dục cho hội viên, phụ nữ đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số về các mối quan hệ trong gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình.
Để phụ nữ tự tin, tự chủ, làm chủ cuộc sống, bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội, Hội phụ nữ các cấp của tỉnh còn tổ chức 174 buổi truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, nói không với tín dụng đen thu hút sự tham dự của 10.322 chị em; tổ chức 1 lớp tập huấn cho 41 phụ nữ tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo 2021” nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về ý tưởng kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch sản xuất, tài chính, thuyết minh ý tưởng kinh doanh; hướng dẫn, thiết kế clip, poster quảng bá dự án khởi nghiệp; các cấp Hội triển khai nhiều nội dung thực hiện Đề án”hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, 6/15 đơn vị cấp huyện đã tổ chức tốt hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; 11 dự án khởi nghiệp của phụ nữ nhận hỗ trợ vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với trị giá 1 tỷ đồng; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 300 hội viên đang có nhu cầu việc làm, 20 gian hàng được trưng bày với 100 sản phẩm khởi nghiệp, khởi sự của chị em phụ nữ. Các cấp hội tổ chức trao vốn cho 342 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng số tiền trị giá 5.755.250.000 đồng; hỗ trợ thành lập và ra mắt 5 HTX do phụ nữ làm chủ, có 30 thành viên tham gia.
Có thể thấy, cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn Đăk Lăk đã quan tâm, tạo điều kiện cho các hoạt động thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Công tác tham mưu, triển khai thực hiện bình đẳng giới đã phát huy tính chủ động trong triển khai, thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao.
Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Đắk Lắk xác định tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, ngành cụ thể khi triển khai kế hoạch chung thực hiện Luật Bình đẳng giới trong 5 năm và hằng năm; đẩy mạnh truyền thông, thông tin, nâng cao năng lực, trách nhiệm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về bình đẳng giới, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu khó nhưng không phải không làm được - mục tiêu bình đẳng giới vì sự phát triển của phụ nữ.