Triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bảo đảm sức khỏe người dân

Thứ tư, 03/04/2024 11:10
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, các địa phương đã tổ chức triển khai biện pháp phòng, chống bệnh dại; khoanh vùng, dập chùm ca bệnh sởi đầu tiên; khám sàng lọc và tư vấn miễn phí bệnh tim cho trẻ em nghèo vùng xa…
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Công Tường 

Đắk Lắk khám sàng lọc và tư vấn miễn phí bệnh tim cho trẻ em nghèo vùng xa

Trong hai ngày từ 27 - 28/3, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đắk Lắk (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh) phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khám sàng lọc, tầm soát và tư vấn miễn phí bệnh tim cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại hai huyện Ea Súp và M’Đrắk.

Theo đó, đối tượng là trẻ em dưới 16 tuổi, nghi bị tim bẩm sinh hoặc có nhu cầu được thăm khám, siêu âm và chuẩn đoán miễn phí nhằm phát hiện và điều trị sớm dị tật tim bẩm sinh.

Đối với những trường hợp trẻ em sau khi khám có chỉ định phẫu thuật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định được hỗ trợ tiền đi lại 150.000 đồng/em và 100% chi phí phẫu thuật. Các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, tùy từng hoàn cảnh sẽ xác minh thực tế và có mức hỗ trợ từ 70% đến 100% chi phí phẫu thuật.

Theo thống kê sau hai ngày, đã có 610 trẻ em được khám sàng lọc, tầm soát, tư vấn tim miễn phí, trong đó có 7 trường hợp được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật.

Chị H’Wil Hwing, tại xã Ea Trang, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) phấn khởi cho biết, ngay khi biết đến chương trình khám bệnh tim, chị đã cho con đi khám. Chương trình này ý nghĩa nhất từ trước đến nay chị từng biết và đặc biệt giúp ích cho nhiều người dân nghèo nơi đây.

Hà Tĩnh: Khoanh vùng, dập chùm ca bệnh sởi đầu tiên

Ngày 28/3, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ đã xuất hiện ổ bệnh sởi với 12 trường hợp mắc bệnh, nhiều trường hợp phải điều trị tuyến trên. Ngành Y tế tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân và khẩn trương khoanh vùng chống dịch bệnh.

 Dịch sởi bắt đầu xuất hiện vào ngày 6/3 tại Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ và Trường Tiểu học Đức Yên, tiếp theo xuất hiện thêm một số trường hợp khác rải rác ở huyện Đức Thọ, sau đó lây nhanh trên diện rộng. Đến ngày 28/3, đã có 10 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus sởi (Elisa), 2 trường hợp có biểu hiện nghi sởi như nổi ban đỏ và nóng, rét.

Các bệnh nhân mắc sởi đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An và theo dõi tại nhà. Tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện sốt, ho nhiều, mắt đỏ, chảy nước mắt, nước mũi, nổi phát ban… Các bệnh viện đã triển khai điều trị truyền dịch, kháng sinh, hạ sốt, long đờm theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh nhanh chóng phối hợp với lực lượng chức năng huyện Đức Thọ đến kiểm tra, tuyên truyền tại các trường học và thăm, khám các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ.

Yên Bái: Đảm bảo 100% trường hợp nguy cơ cao được điều trị dự phòng bệnh dại kịp thời

Tại Yên Bái, trong 3 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 940 trường hợp phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, huyện Văn Yên 227 trường hợp, huyện Lục Yên 215 trường hợp, huyện Văn Chấn 121 trường hợp, thành phố Yên Bái 92 trường hợp... ; chưa có trường hợp tử vong.

Ảnh minh họa. Nguồn: Hồng Đạt 

Từ nhiều tháng nay, ngành y tế Yên Bái đã và đang triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại ở người. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, đơn vị đã tập huấn cho 100% cán bộ y tế ở các điểm tiêm vaccine phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử lý các trường hợp bị động vật cắn; củng cố, nâng cao năng lực điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bệnh dại cho người dân tại các điểm tiêm phòng kháng dại; chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, nguồn nhân lực trực 24/24 giờ tại các trung tâm tiêm phòng dại trên toàn tỉnh.

Cán bộ y tế tại các địa bàn chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn; phối hợp xử lý ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người; hướng dẫn các biện pháp an toàn cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh theo quy định; đảm bảo 100% trường hợp bị động vật cắn được điều trị dự phòng kịp thời.

Các địa phương đã tổ chức triển khai biện pháp phòng, chống bệnh dại; trọng tâm là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và vật nuôi khác có nguy cơ gây bệnh; phối hợp tiêm vaccine và phòng, chống bệnh dại trên động vật. Địa phương yêu cầu các hộ dân chấp hành việc nuôi, nhốt chó, mèo và xử lý triệt để tình trạng chó thả rông; kịp thời điều tra, xử lý nghiêm trường hợp chủ nuôi chó, mèo không thực hiện quy định về nuôi, quản lý chó, mèo dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, địa phương tăng cường theo dõi sát tình hình bệnh dại trên động vật; tổ chức chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh theo Kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2030 đã được phê duyệt./.

KN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực