Bài 2: Ngành Giao thông Vận tải củng cố nền tảng phát triển vững chắc

Thứ năm, 08/02/2024 16:57
(ĐCSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã triển khai công tác xây dựng pháp luật kịp thời đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nội dung, tiến độ theo yêu cầu, đồng thời luôn chủ động hoàn thành các công việc được giao theo chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng và tiến độ.
 Các quy hoạch là cơ sở, nền tảng hết sức quan trọng định hướng, xác định trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực đầu tư.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế là tiêu chí đánh giá người đứng đầu

Nhìn lại hành trình liên tục ghi dấu ấn trong những năm gần đây của Bộ GTVT có thể thấy, các văn bản chỉ đạo, đôn đốc của Bộ GTVT đều được các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai thực hiện đúng yêu cầu, đúng chức năng, nhiệm vụ. Việc theo dõi tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cũng như công tác pháp chế nói chung đã được thực hiện thường xuyên với những chỉ đạo kịp thời, xuyên suốt tại các hội nghị giao ban của Bộ GTVT và các văn bản đôn đốc hàng tháng.

Theo bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật luôn được Bộ GTVT đặc biệt coi trọng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Cần phải nhấn mạnh rằng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu và là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật với nhiều cách làm đổi mới, đặt nhiệm vụ trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.

Theo đó, bà Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, Bộ GTVT đã trình Chính phủ 13/13 dự thảo Nghị định, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định; Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành theo thẩm quyền 40 Thông tư, công bố hết hiệu lực thi hành 99 văn bản.

Một trong những nét nổi bật hàng đầu, Bộ GTVT đã thực hiện xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đường bộ theo yêu cầu của Quốc hội, của Chính phủ và đang khẩn trương tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7; đã hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Đường sắt và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam để trình Chính phủ theo quy định; đang thực hiện tổng kết Luật Giao thông đường thủy nội địa và Bộ Luật Hàng hải Việt Nam.

Bước sang năm 2024, bà Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, Bộ GTVT sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế. Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.

“Đưa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung, chất lượng, tiến độ trình các dự thảo do cơ quan mình chủ trì”, bà Nga cho hay.

Trong năm 2024, Bộ GTVT sẽ tập trung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đường bộ để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024); tiếp tục hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) và Luật Đường sắt (thay thế) để báo cáo Chính phủ xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo đúng quy định.

Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp, địa phương trực tiếp thực hiện. Tập trung rà soát, xử lý các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy tiềm năng, tạo động lực mới cho sự phát triển. Triển khai truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo các Chương trình, Kế hoạch của Bộ GTVT.

Hóa giải thách thức phát triển của tương lai

 Quy hoạch GTVT phải hóa giải được những mâu thuẫn, tồn tại, thách thức.

Song hành với việc xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, Bộ GTVT cũng ghi dấu ấn lớn khi thực hiện công tác lập quy hoạch, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao.

Theo đó, công tác lập quy hoạch do Bộ GTVT thực hiện không phải là làm quy hoạch cho xong việc, mà quy hoạch có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, có tính kết nối không chỉ trong nước mà còn với quốc tế, có sự bình đẳng giữa các địa phương, vùng miền. Chính phủ cũng đánh giá, quy hoạch phải phát huy tối đa tiềm năng, cơ hội và thuận lợi để nâng cao sức cạnh tranh của đất nước, hóa giải được những mâu thuẫn, tồn tại, thách thức của ngành GTVT.

Lãnh đạo Bộ GTVT nhiều lần khẳng định, công tác lập quy hoạch được Bộ GTVT đặc biệt chú trọng và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bộ GTVT đã trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành quốc gia.

Các quy hoạch là cơ sở, nền tảng hết sức quan trọng định hướng, xác định trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực đầu tư, là cơ sở huy động, sử dụng hợp lý nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, Bộ GTVT đã tổ chức công bố, cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng, trình phê duyệt kế hoạch, lộ trình thực hiện các quy hoạch và triển khai lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ, tham gia ý kiến đầy đủ, kịp thời các nội dung liên quan đến quy hoạch do các bộ, ngành, địa phương gửi đến.

Được biết, Bộ GTVT hiện đang tập trung triển khai xây dựng 2 đề án rất quan trọng về định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không và chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là 2 đề án lớn, rất phức tạp, chưa có tiền lệ, thực hiện trong thời gian dài.

Trong năm qua, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện. Đến nay, đã trình và được Thường trực Chính phủ cho ý kiến để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Năm 2024, trong công tác xây dựng, triển khai quy hoạch, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực GTVT, bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia và xem xét, phê duyệt các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không. Bộ GTVT cũng sẽ tập trung triển khai các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiến độ, chất lượng./.

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực