Chuyển đổi số toàn diện - kiến tạo nền Hải quan thông minh

Thứ sáu, 09/02/2024 10:20
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Năm 2024, toàn ngành Hải quan quyết tâm thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện dựa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Internet vạn vật; công nghệ dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối và điện toán đám mây... trong tất cả các khâu nghiệp vụ. Đó là chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Ảnh: TD)

Những dấu ấn quan trọng

Phóng viên: Dù được đánh giá là một năm nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ, dấu ấn đáng ghi nhận của ngành Hải quan trong năm 2023 là gì, thưa Tổng cục trưởng?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Trong năm qua, nhiều sự kiện nổi bật diễn ra, nhiều kết quả công tác đáng ghi nhận đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Hải quan Việt Nam. Dấu ấn thứ nhất, trong “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” có đề cập 4 nội dung về hợp tác quan trọng trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam – Trung Quốc gồm: Thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh; nghiên cứu triển khai hợp tác cấp “Chứng nhận doanh nghiệp ưu tiên” (AEO) của nhau; tăng cường giao lưu, hợp tác “một cửa”; tiếp tục làm sâu sắc hợp tác về thực thi pháp luật chống buôn lậu, thúc đẩy hành động phối hợp thực thi pháp luật quốc tế Con Rồng Mê Kông đạt được nhiều thành quả hơn nữa. Đây là những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Hải quan Việt Nam đã được đặt ra trong Luật Hải quan, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Dấu ấn thứ hai, tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm công nghệ của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) với sự tham dự và phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; TS. Kunio Mikuriya (Tổng Thư ký WCO) và khoảng 1.000 đại biểu đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên, Tổng cục Hải quan đăng cai tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm quốc tế lớn nhất thường niên của WCO, đã giúp nâng cao vị thế của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan quốc tế. Sự kiện này càng trở nên có ý nghĩa nhân kỷ niệm 30 năm Hải quan Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WCO.

Năm 2023 cũng chứng kiến nhiều nội dung hợp tác song phương, đa phương của Hải quan Việt Nam với các đối tác như: Hải quan Hoa Kỳ, Hải quan Trung Quốc, Hải quan Australia, Hải quan Hà Lan, Hải quan Hồng Kông (Trung Quốc)… Ngoài ra, lãnh đạo hải quan các nước ASEAN đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO).

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, biến động bất thường, khó đoán định, việc thực hiện thắng lợi đồng thời cả hai nhiệm vụ: Tạo thuận lợi thương mại và phòng, chống buôn lậu là hết sức nặng nề. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Hải quan Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công khi luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu.

Chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp

Phóng viên: Xin Tổng cục trưởng cho biết, những giải pháp về việc tạo thuận lợi thương mại đã được ngành Hải quan tập trung triển khai trong năm 2023?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Ngay từ quý III, quý IV/2022 và kéo sang nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đơn hàng sụt giảm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và việc làm của người lao động. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Về cơ chế chính sách, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan đảm bảo đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và định hướng phát triển Hải quan.

Về cải cách hành chính (CCHC), ngày 31/1/2023, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ giao chỉ tiêu CCHC, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 trong toàn Ngành. Trong đó đề ra 10 nhóm chỉ tiêu cải cách và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện. Trong đó, tập trung vào giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng Đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng Vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; giảm 20% số lô hàng phải lấy mẫu phân tích, phân loại; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...

Công tác đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại tiếp tục được đẩy mạnh thông qua thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)… Ngoài ra, từ Tổng cục đến các cục và chi cục hải quan đã thiết lập nhiều kênh để kịp thời nắm bắt, đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Những nỗ lực của ngành Hải quan đã đảm bảo việc thông quan hàng hóa diễn ra thông suốt. Trong năm, toàn Ngành đã làm thủ tục cho hơn 15 triệu tờ khai, tăng hơn 460.000 tờ khai so với năm 2022. Trong đó, 66,31% tờ khai luồng Xanh (tăng 3,06%), 29,87% luồng Vàng (giảm 2,6%) và 3,82% tờ khai luồng Đỏ (giảm 0,46%). Đáng chú ý, tờ khai luồng Đỏ, luồng Vàng đều giảm sâu so chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định 123. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD…

Phóng viên: Với những giải pháp quyết liệt đó, kết quả nổi bật về tạo thuận lợi thương mại của ngành Hải quan đạt được là gì, thưa Tổng cục trưởng?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Trong vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành trong thực hiện các công việc liên quan.

Về Cơ chế một cửa quốc gia, đã có 250 thủ tục của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của hơn 68.000 doanh nghiệp. Việt Nam tiếp tục duy trì kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin Chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN… Đồng thời, tiếp tục triển khai các nội dung để kết nối Cơ chế một cửa với đối tác ngoài ASEAN.

Đối với DVCTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong 214 thủ tục do cơ quan Hải quan thực hiện, có 133 thủ tục được cung cấp DVCTT toàn trình; 60 thủ tục được cung cấp DVCTT một phần; 21 thủ tục được cung cấp thông tin trực tuyến. Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 12 DVCTT của các Bộ: Giao thông vận tải, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kết quả đạt được của ngành Hải quan góp phần quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ Tài chính – Ngân sách nhà nước năm 2023. Đồng thời, là động lực cho tăng trưởng kinh tế của năm 2023 với kết quả GDP đạt trên 5,05%. Dù không đạt so mục tiêu đề ra nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu nhiều màu xám.

Trong năm 2023, toàn Ngành đã làm thủ tục cho hơn 15 triệu tờ khai, tăng hơn 460.000 tờ khai so năm 2022  (Ảnh: TL)

Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện

Phóng viên: Năm 2024, với mục tiêu thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện, toàn Ngành cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa Tổng cục trưởng?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Năm 2024, toàn Ngành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện tái thiết kế quy trình hệ thống dựa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Internet vạn vật; công nghệ dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối và điện toán đám mây... trong tất cả các khâu nghiệp vụ.

Để chuyển đổi số thành công, toàn Ngành cần nghiên cứu triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước tiên, cần tập trung nguồn lực thực hiện thành công xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan, từ đó tạo tiền đề để tiến tới thực hiện hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh. Hệ thống sẽ thay thế hệ thống VNACCS/VCIS, là sự đột phá trong chuyển đổi số của ngành Hải quan. Đây là cuộc “cách mạng” lần thứ hai về hiện đại hóa của ngành Hải quan. Phấn đấu trong quý II/2024 hoàn thành việc xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan và tiếp tục thực hiện các lộ trình tiếp theo của mục tiêu xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh.

Đồng thời, ngành Hải quan cần chủ trì, chủ động, tích cực trong triển khai các nhiệm vụ về thực hiện cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn và các địa bàn khác. Song song đó, cần quan tâm chuyển đổi số nội Ngành; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; xây dựng lực lượng và tổ chức biên chế phù hợp trong tình hình mới.

Phóng Viên: Trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, Tổng cục trưởng có chia sẻ gì về nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024 cho toàn ngành Hải quan Việt Nam?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Năm 2024, dự báo khó khăn, thách thức còn rất lớn, khó lường, là năm đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm toàn ngành Hải quan triển khai cuộc “cách mạng lần thứ 2 về hiện đại hóa” hải quan, khối lượng công việc đặt ra là rất lớn, toàn Ngành cần quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục tạo thuận lợi thương mại tối đa theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật Hải quan.

Tập trung hoàn thiện các Nghị định như: Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia…

Đối với nhiệm vụ thu ngân sách, bám sát các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để xây dựng các giải pháp thu ngân sách 2024 một cách hiệu quả, nỗ lực thu đạt và vượt chỉ tiêu dự toán được giao của cả năm.

Về công tác chống buôn lậu; phòng, chống ma túy, tiếp tục phát huy thành tích đạt được trong năm 2023 để tập trung đấu tranh một cách hiệu quả với các đường dây, ổ nhóm tội phạm với quan điểm “đấu tranh từ sớm, từ xa”. Ngoài tội phạm ma túy và các loại tội phạm truyền thống, cần chú trọng phòng, chống các loại tội phạm mới như xuất, nhập khống hàng hóa; mua bán hóa đơn để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài…

Ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan…

Để có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ này, toàn Ngành cần chủ động nghiên cứu các quy trình, quy chế về công tác cán bộ chuẩn bị sửa đổi bổ sung theo các văn bản mới của Chính phủ, Bộ Tài chính. Xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị đại biểu điển hình tiên tiến ngành Hải quan lần thứ 7 tiến tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ngành Hải quan (10/9/1945 - 10/9/2025). Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng... thông qua các chương trình hành động cụ thể để thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức trong ngành Hải quan (ban hành tại Quyết định số 799/QĐ-TCHQ) với hơn 980 hành vi vi phạm đã được cụ thể hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại… vừa phục thông quan hàng hóa nhanh chóng vừa phòng, chống sách nhiễu, tiêu cực.

Vì vậy, tôi mong muốn đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành tiếp tục phát huy bề dày truyền thống, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, trọng tâm là thực hiện thành công công tác chuyển đổi số toàn diện.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!

 

Minh Phương (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực