Trong những ngày Xuân giáp Thìn đang đến thật gần, thì Trung tâm bảo trợ xã hội thành phố Hải Phòng cũng rộn rã không khí đón Tết với nồi bánh chưng xanh. Nhìn những nụ cười trên khuôn mặt khắc khổ của những người yếu thế, đã thấy ánh lên niềm vui, sự ấm áp của những người không nơi nương tựa khi tìm được mái ấm của mình. Được biết, mỗi tháng các đối tượng yếu thế được Thành phố hỗ trợ ngoài tiền ăn 2 triệu đồng/tháng và bảo hiểm y tế, mỗi người còn được tặng quà Tết là 1 triệu đồng. Đây là mức chi cao nhất của cả nước.
|
Chương trình Tết Sum vầy mang đến hàng nghìn phần quà ý nghĩa cho người lao động khó khăn của Hải Phòng |
Là thành phố nghĩa tình, luôn dành phúc lợi cao nhất cho xã hội, đặc biệt là đối tượng chính sách, yếu thế, trong năm 2023, hoạt động chăm lo đời sống nhân dân của Thành phố Hải Phòng luôn được chú trọng. Các hoạt động chăm lo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển hệ thống giáo dục đào tạo… có bước phát triển mạnh. Bằng các nguồn lực ngân sách và xã hội hóa, Thành phố đã triển khai thành công kĩ thuật ghép tạng, đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành y tế thành phố; tập trung triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hải Phòng; đầu tư xây dựng nhà điều trị bệnh nhân tại bệnh viện Kiến An; dự án đầu tư xây mới, nâng cấp các trang y tế trên địa bàn thành phố. Công tác truyền thông phòng bệnh được tăng cường góp phần nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người dân trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.
Trong năm, Thành phố đã tổ chức 54 phiên giao dịch việc làm cho 850 lượt doanh nghiệp tham gia, nhu cầu tuyển dụng là 90.100 lượt lao động, giải quyết việc làm cho 57.300 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 3,59%.
|
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng thăm, tặng quà gia đình ông Ngô Đức Hiếu - một người lính bị nhiễm chất độc hoá học - tại tổ dân phố Nguyễn Huệ, phường Minh Đức, quận Đồ Sơn. |
Đặc biệt, Thành phố thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội, bảo trợ chăm sóc trẻ em quan tâm, chăm lo đời sống người có công với mức quà tặng cao so với năm 2022: đã thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho 27.000 người có công với tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng; cấp thẻ BHYT cho gần 9.600 người có công và thân nhân, cựu chiến binh, thanh niên xung phong với tổng kinh phí khoảng 77 tỷ đồng; cấp 5753 thẻ BHYT với số tiền trên 4,5 tỷ đồng cho người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ gần 134.000 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, hộ làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, người từ đủ 70 đến 79 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp hàng tháng, người nhiễm HIV/AIDS… Trợ giúp 8.100 lượt đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí khoảng 603 tỷ đồng. Hơn 414.000 lượt trẻ em được hỗ trợ, tặng quà; Tổng kinh phí dành cho tổ chức các hoạt động trẻ em, trao tặng quà, trao học bổng lên đến 57 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2022. Vận động nguồn lực ủng hộ quỹ bảo trợ trẻ em thành phố đạt 3,8 tỷ đồng. Thăm tặng quà cho 174.600 người có công với cách mạng với tổng kinh phí 541,67 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Dịp Tết Nguyên đán 2024, thành phố đã tặng quà tết trị giá 5,5 triệu đồng/người đối với hơn 45.000 thương bệnh binh, người có công với cách mạng, người hưởng chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ. Trong đó, tiền mặt là 5,3 triệu đồng và 1 phần quà trị giá 200.000 đồng.
|
Những món quà ấm áp gửi đến người lao động trước khi về quê ăn Tết. |
Bên cạnh đó, TP.Hải Phòng trích hàng chục tỉ đồng tặng quà từ 900.000 - 1,8 triệu đồng/người đối với người cao tuổi (từ 70 - 100 tuổi); hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ từ 1,6 - 1,8 triệu đồng; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật được hỗ trợ 1 triệu đồng/em; tặng quà 2 triệu đồng đối với các đơn vị bảo trợ trẻ em, hội từ thiện, hội người mù, làng nuôi dạy trẻ mồ côi, trại cai nghiện ma túy... Với số tiền trên, Hải Phòng hiện là địa phương dẫn đầu cả nước có mức quà tết cao nhất, gấp 9 - 10 lần mức bình quân chung của cả nước.
Ngoài ra, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực chăm lo tết cho người lao động như: trợ cấp, tặng quà, hỗ trợ vé xe, chuyến xe cho khoảng 35.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động khó khăn ở tỉnh xa về quê; tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo cho đoàn viên và người lao động như: tặng 4.000 túi quà Tết cho đoàn viên, người lao động tại Chương trình Tết Sum vầy 2024; hỗ trợ gần 10.000 suất trợ cấp, mỗi suất 1.000.000 đồng cho người lao động; tặng 7.000 vé xe cho công nhân xa quê…
Thành phố cũng thực hiện chủ đề năm 2023 là đẩy mạnh hiện đại hóa đô thị - xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu – thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, thành phố tập trung thực hiện các dự án xây dựng các công trình đô thị, công viên cây xanh, các trung tâm dịch vụ thương mại, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội… đã có 798 xã được công nhận đạt chuẩn năm nông thôn; 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…mà mục tiêu là để phục vụ đời sống nhân dân được tốt hơn.
|
Hàng chục chuyến xe miễn phí đưa người lao động khó khăn về quê ăn Tết. |
Đến nay, tỷ lệ dân số Thành phố tham gia bảo hiểm xã hội đạt 93%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia đạt 0,4 %, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đạt 100%.
Năm 2024, Thành phố đề ra mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 9000 USD; hoàn thành xây dựng 35 xã nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2023 chuyển sang và triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2024 tại 13 xã; Giải quyết việc làm là 57.900 lượt lao động; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%; Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,38%; 100% các hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn.
Để đạt được các mục tiêu trên, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng sẽ chú trọng bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Thành phố yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có phản ứng chính sách kịp thời, giải quyết ngay và dứt điểm những vướng mắc, bất cập của môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Thành phố hướng tới giải pháp là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học phí và giá dịch vụ giáo dục đào tạo. Phát triển thị trường lao động kết nối với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia, tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm. Chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức, mở ra một số ngành nghề phục vụ các lĩnh vực có thế mạnh mang tính đột phá của thành phố.
|
"Tất cả người lao động đều có Tết" là thông điệp mà Hải Phòng phấn đấu thực hiện. |
Bên cạnh đó, chăm lo đời sống cho công nhân người lao động, trọng tâm là công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp; phát triển cơ sở lưu trú trong các khu công nghiệp để giải quyết vấn đề thiếu nhà ở cho công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, nâng cao đời sống vật chất, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền văn hóa nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Tiếp tục cùng cố, phát triển hệ thống y tế cơ sở, nâng cấp tổng thể bệnh viện tính quận, huyện, người dân được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu về trạm y tế xã, phường, thị trấn. Xây dựng và triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng năng lực hệ thống y tế công lập thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2028; đầu tư nâng cấp, đi vào hoạt động ít nhất một bệnh viện tuyến huyện hoặc bệnh viện khu vực. Thực hiện hiệu quả chủ trương đầu tư cho công tác an sinh, phúc lợi xã hội đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế.
Đồng thời, quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách của thành phố đối với người có công, đối tượng chính sách bảo đảm ngày càng tốt hơn và trong nhóm dẫn đầu các tỉnh, thành phố. Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm giảm nghèo trên địa bàn thành phố trong năm 2024; huy động toàn xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần của người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách xã hội./.
T. Huyền