Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Thứ năm, 08/02/2024 08:48
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Năm 2023, quán triệt chỉ đạo điều hành của Chính phủ "Đoàn kết, kỷ cương - Bản lĩnh, linh hoạt - Đổi mới, sáng tạo - Kịp thời, hiệu quả", Ngành TN&MT đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động trong triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần phát huy lợi thế nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Ảnh: TL 

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh với báo chí trước thềm năm mới Xuân Giáp Thìn – 2024.

Đổi mới, sáng tạo - Kịp thời và hiệu quả

 Chia sẻ về những dấu ấn quan trọng nổi bật đạt được của Ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) năm 2023, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết: Năm 2023 với nhiều thách thức, bối cảnh quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, nhiều thách thức đặt ra đối với Ngành TN&MT, đó là: Biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng rõ rệt; tình trạng thiếu nước, hạn hán, thiên tai diễn biến nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; việc đáp ứng các nguồn lực để khai thác hiệu quả tài nguyên phục vụ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; việc tổ chức triển khai, thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bộc lộ một số vướng mắc...

Quán triệt chủ đề chỉ đạo điều hành của Chính phủ "Đoàn kết, kỷ cương - Bản lĩnh, linh hoạt - Đổi mới, sáng tạo - Kịp thời, hiệu quả", Ngành TN&MT phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, qua đó đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đó là, toàn Ngành đã chủ trì, huy động sự tham gia vào cuộc của các cơ quan trong hệ thống chính trị tổ chức tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét ban hành các quan điểm, chủ trương, định hướng, giải pháp đột phá mới cho sự phát triển của Ngành trong giai đoạn tới.

Đồng thời, tập trung cao độ cho công tác xây dựng thể chế với các dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Địa chất và Khoáng sản. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với nhiều điểm mới, bước tiến lớn trong phương thức quản trị hiệu quả, bền vững tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước. Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đang tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm trình Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2024.

“Nổi bật hơn cả là việc Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 với đại đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai đáp ứng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao””, Bộ trưởng cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng, Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước, được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp. Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của các cơ quan trong hoạt động lập pháp, đảm bảo chất lượng, khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả.

Phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước

Cùng với đó, toàn Ngành đã tập trung xây dựng, hoàn thành các quy hoạch cấp quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch, gồm: Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…Tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế hợp tác, đón đầu các cơ hội từ xu thế phát triển.

Sự kiện nổi bật trong năm qua là việc Bộ đã tham mưu tổ chức Đoàn công tác của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu tham dự Hội nghị COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch Huy động nguồn lực, đánh dấu một cột mốc quan trọng hướng tới việc thực hiện cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), được thống nhất giữa Việt Nam cùng Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) và nhiều hội nghị.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, năm 2023 toàn Ngành đã tích cực, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên. Cụ thể, toàn Ngành đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922ha; hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình trọng điểm quốc gia như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Quốc tế Long Thành...

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Thăng Long II. Ảnh: TL 

Cùng với đó, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được cải thiện. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường (các địa phương đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020; tỷ lệ Khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt hơn 92%; cơ bản hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%...).

Đặc biệt, năm 2023 việc chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu Ngành TN&MT được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ TN&MT xếp hạng 3/17 bộ, cơ quan ngang bộ về mức độ chuyển đổi số (có dịch vụ công); toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố đã và đang khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, trên cả nước đã có cơ sở dữ liệu của 450/705 huyện. Đã kết nối cơ sở dữ liệu đất đai 63/63 tỉnh, thành phố với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 461/705 quận/huyện, 6.198/10.599 phường/xã, tổng số hơn 26 triệu thửa đất); xử lý thành công kịp thời, hiệu quả hàng triệu giao dịch, khai thác, tra cứu, xác thực thông tin điện tử dữ liệu thông tin đất đai và dân cư đạt mức độ 4 trong Hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.

 Toàn Ngành đã chủ động dự báo sớm, đủ độ chi tiết, tin cậy cao trong cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ ứng phó với cơn bão số 1; dự báo, cảnh báo tình trạng nắng nóng, khô hạn do hiện tượng El Nino; ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất kịp thời và hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra…

 Hoàn thiện pháp luật về TN&MT, góp phần phát triển bền vững đất nước

 Nhấn mạnh năm 2024 được Chính phủ xác định trong Nghị quyết số 01/NQ-CP là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định: Toàn Ngành sẽ tiếp tục tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Tổ chức thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét Luật Địa chất và khoáng sản. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm đồng bộ, thống nhất và kịp thời có hiệu lực đồng thời với các dự án Luật nêu trên. Tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong các lĩnh vực: đất đai, môi trường, biển và hải đảo.

“Toàn Ngành đặt quyết tâm cao, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai theo chuẩn thống nhất trên phạm vi cả nước gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đã được Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội giao tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 39/2021/QH15”, Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kiểm tra vấn đề ô nhiễm trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: TL 

Cũng theo Bộ trưởng, toàn Ngành sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Tổ chức thực thi nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến về căn bản trong nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý trong bảo vệ môi trường. Tiếp tục phát huy, triển khai mạnh mẽ hơn nữa tham gia các sáng kiến quốc tế và khu vực về tài nguyên và môi trường, nâng tầm ngoại giao môi trường, khí hậu nhằm thu hút nguồn lực, tri thức và kinh nghiệm phục vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thám, đo đạc, bản đồ, thông tin địa lý, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin cho các ngành, lĩnh vực khác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả thiên tai, hiện tượng thời tiết cực đoan…

 Bảo đảm nguyên tắc “rõ người, rõ việc”, tránh bỏ sót nhiệm vụ

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng nhấn mạnh, toàn Ngành sẽ chỉ đạo thực hiện các giải pháp: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với mục tiêu xây dựng nền hành chính, công vụ chuyên nghiệp, hiện đại. Trong phân công, phối hợp giữa các đơn vị phải bảo đảm nguyên tắc “rõ người, rõ việc”, tránh bỏ sót nhiệm vụ.

Đồng thời, hoàn thiện công cụ đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt là đánh giá hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, đề cao các tiêu chí về: thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo Bộ các vấn đề mang tầm chiến lược, dài hạn, có tính chất căn cơ; mức độ nắm bắt, sâu sát tình hình địa phương, cơ sở; chất lượng, hiệu quả giải quyết, xử lý kiến nghị của bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp... /.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực