Bước tiến mới ở Ba Vì

Thứ năm, 24/08/2023 16:08
(ĐCSVN) - Huyện Ba Vì đang tiến những bước mạnh mẽ trên con đường phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.

Huyện Ba Vì, Hà Nội có diện tích tự nhiên lớn, với 31 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 01 thị trấn, 7 xã miền núi và 01 xã đảo giữa sông Hồng.

Riêng 7 xã miền núi của huyện có tỷ lệ dân số người dân tộc thiểu số chiếm 38,3% dân số. Huyện có hai dân tộc thiểu số chính là dân tộc Mường và dân tộc Dao với những nét văn hóa, phong tục, tập quán đặc sắc riêng.

Đồng chí Nguyễn Đức Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội và Đảng bộ huyện, huyện Ba Vì đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết với các giải pháp cụ thể, chi tiết cho từng giai đoạn, từng thời kỳ. Trong đó, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và các xã miền núi luôn được cấp uỷ, chính quyền huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Huyện đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án của Trung ương, Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chú trọng triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là các dự án đường giao thông, trường học, trạm y tế…

 Hạ tầng giao thông các xã miền núi của huyện Ba Vì được quan tâm đầu tư xây dựng, đảm bảo đi lại thuận lợi 4 mùa cho nhân dân

Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong hai năm 2021 và 2022, huyện Ba Vì được Thành phố Hà Nội bố trí 384,5 tỷ đồng cho 29 dự án thuộc các lĩnh vực: trường học, y tế, giao thông, thuỷ lợi.

Đến cuối tháng 12/2022, đã có 7 dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng, 12 dự án đã thi công xong đang hoàn thiện hồ sơ để bàn giao đưa vào sử dụng; 10 dự án thi công chuyển tiếp trong năm 2023. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bà Nguyễn Thị Hiện, dân tộc Mường ở thôn 2, xã Ba Trại phấn khởi nhận xét, nhờ chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước mà nơi bà đang sinh sống đã thay đổi mạnh mẽ. Nếu như trước đây, đường xá đi lại chỉ là đường đất, nhỏ hẹp thì nay đã có đường nhựa đến tận nhà, các công trình hạ tầng thiết yếu cũng được đầu tư xây dựng đầy đủ nên đồng bào rất yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với quê hương.

Ở Ba Vì, đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng nguồn lợi do sản xuất nông nghiệp mang lại. Do đó, huyện tập trung phát triển các làng nghề gắn với phát triển rừng để tạo ra các sản phẩm OCOP. Hiện nay, Ba Vì có 19 làng nghề, trong đó có một số sản phẩm nổi tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số như: Chè Ba Trại, miến dong Minh Hồng, thuốc Nam của người Dao…

Công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá cồng chiêng của dân tộc Mường luôn được huyện Ba Vì quan tâm

Bên cạnh đó, huyện còn tập trung phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế từ vốn đầu tư của Trung ương, Thành phố và của huyện để đáp ứng tốt nhu cầu học tập, chăm sóc sức khoẻ nhân dân các xã miền núi. Chăm lo công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá cồng chiêng của dân tộc Mường, thuốc Nam của dân tộc Dao… gắn với phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch văn hoá, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh trên địa bàn huyện.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện tỷ lệ hộ nghèo ở 7 xã miền núi của huyện Ba Vì giảm xuống còn 0,66%, tương đương 125 hộ; 30/34 trường đạt chuẩn quốc gia; chương trình phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, tái mù chữ đạt kết quả cao; tỷ lệ làng đạt danh hiệu Làng văn hoá, hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá chiếm gần 89%.

Những kết quả đạt được cho thấy huyện Ba Vì đang tiến những bước mạnh mẽ trên con đường phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.

Phương Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực