Đẩy mạnh lồng ghép thực hiện nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ tư, 23/08/2023 11:10
(ĐCSVN) - Thời gian qua đã chứng kiến nỗ lực của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030, từng bước khắc phục lúng túng, bất cập giai đoạn đầu triển khai thực hiện; bước đầu thực hiện mô hình lồng ghép, phân cấp phân quyền, hỗ trợ chuỗi sản xuất, cơ chế đặc thù cho dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.
 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Triển khai thực hiện các Nghị quyết: số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020, số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021, số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo quy định Luật Đầu tư công. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021) để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc; đồng thời là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng mong đợi của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian qua đã chứng kiến nỗ lực của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, từng bước khắc phục lúng túng, bất cập giai đoạn đầu triển khai thực hiện; bước đầu thực hiện mô hình lồng ghép, phân cấp phân quyền, hỗ trợ chuỗi sản xuất, cơ chế đặc thù cho dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.

Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, đến nay, cấp Trung ương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện về Chương trình. Các địa phương đã chủ động bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao, cũng như các chính sách dân tộc trên địa bàn. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo có chuyển biến tích cực; nắm bắt kịp thời và tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình. Các sở, ngành, địa phương theo phân công đã có sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả, bám sát chỉ đạo, tích cực tham mưu xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cấp cơ sở, các chủ đầu tư thực hiện…

Theo thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 do Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 12/7, đến ngày 31/5/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021 - 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt hơn 7.800 tỷ đồng, đạt 18,54%.

Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu đã đúng đối tượng thụ hưởng nhưng vẫn còn nhiều người dân nằm ngoài chương trình được thụ hưởng chính sách, do ảnh hưởng của quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, có một số chính sách hỗ trợ được ban hành chưa sát với thực tế như việc hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nên không triển khai được trên thực tế; một số địa phương chồng lấn về địa giới hành chính, nên chính sách của Chương trình không bao phủ hết…

 Đến ngày 31/5/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt hơn 7.800 tỷ đồng, đạt 18,54%.

Để thực hiện hiệu quả nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, thời gian tới, cần phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan trung ương và địa phương; hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo tiến độ và nắm bắt, xử lý vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thêm vào đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, tuyên truyền về Nghị quyết số 120/2020/QH14 và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm từng bước thay đổi và chuyển biến về nhận thức trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đẩy mạnh kết hợp tuyên truyền với công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cộng đồng tham gia thực hiện Chương trình bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tâm lý, trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ của các nhóm tham gia.

Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng và tổ chức các phong trào thi đua trong thực hiện các hoạt động về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ từ trung ương tới địa phương. Trong đó, các cơ quan chủ chương trình, chủ dự án thành phần và các cơ quan có liên quan chủ động rà soát các kiến nghị, khẩn trương phối hợp chặt chẽ trong xử lý tháo gỡ vướng mắc của địa phương đảm bảo kịp thời, hiệu quả, tránh đùn đẩy trách nhiệm theo đúng quy định tại các Nghị quyết phiên họp thường kỳ hằng tháng của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2023. Khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu, nghiên cứu đề xuất cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư công trong triển khai thực hiện các chương trình theo chủ trương tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm 2023.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần chủ động nghiên cứu các quy định, trao đổi học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác, khẩn trương hoàn thành việc cụ thể hóa các quy định, cơ chế chính sách thực hiện tại địa phương theo thẩm quyền phân cấp; đồng thời, làm rõ nhu cầu, đề xuất nội dung thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện quyết định cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư công trong triển khai thực hiện các chương trình theo chủ trương tại Nghị quyết số 100/2023/QH15.

Đảm bảo cân đối nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nghiên cứu đổi mới cơ chế huy động vốn tín dụng chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực khác từ doanh nghiệp, các tổ chức, người dân, các đối tác nước ngoài.

Tăng cường lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu trong phân bổ, sử dụng nguồn lực tại các địa phương đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng chéo, dàn trải. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn hằng năm ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao dự toán, kế hoạch; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc chuẩn bị công tác kế hoạch, khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định đảm bảo sử dụng vốn ngân sách nhà nước hiệu quả, tập trung, tránh dàn trải.

Cuối cùng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán thực hiện các chương trình tại các cấp. Trong đó, khẩn trương hoàn thành việc tích hợp, liên thông dữ liệu về giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tại các cấp…/.

Bài, ảnh: Kim Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực