Sơn La: Tập trung đầu tư cho dân tộc rất ít người

Thứ ba, 13/12/2022 18:24
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025, tỉnh Sơn La đã xây dựng 3 công trình giao thông và 5 nhà cộng đồng; hỗ trợ con giống, máy móc nông cụ cho 1257 hộ nghèo, hỗ trợ làm chuồng trại cho 1827 hộ… cho người dân tộc La Ha.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La, đồng bào La Ha có số dân rất thấp với gần 10.000 người, sinh sống tập trung tại 67 bản ở 25 xã thuộc các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu. Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc La Ha.

Nếu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc này là 47,7%, năm 2020 là 40,8%, đời sống đồng bào rất khó khăn. Chính sách dân tộc rất ít người của tỉnh đã giúp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị; phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS; tăng cường số lượng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Lễ hội Pang A của người dân tộc La Ha (Sơn La) phản ánh tín ngưỡng dân gian, các thao tác nông nghiệp... Ảnh: Thế Dương

Cụ thể, sau 2 năm triển khai thực hiện, đã xây dựng 3 công trình giao thông và 5 nhà cộng đồng. Hỗ trợ con giống, máy móc nông cụ cho 1257 hộ nghèo, hỗ trợ làm chuồng trại cho 1827 hộ. Ngoài ra còn hỗ trợ cải tạo ao bè lồng cá, tiêm phòng gia cầm; tập huấn cho trên 188 học viên kiến thức sản xuất. Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho 875 lượt người. Hỗ trợ trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng cho 37 nhà văn hóa bản. Hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động đối với 19 đội văn nghệ thôn bản; hỗ trợ học tiếng dân tộc cho 52 người. tổng vốn là gần 32.000 triệu đồng.

Đánh giá về hạn chế, ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, công tác dân tộc còn gặp nhiều khó khăn thách thức, phát triển KT-XH vùng đồng bào còn chậm phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đồng bộ và nhỏ lẻ, phong tục tập quán canh tác của đồng bào còn lạc hậu. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm song tỷ lệ nghèo còn cao và giảm nghèo chậm. Ở các xã tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn đặc thù sinh sống chưa xóa bỏ được tập tục lạc hậu, bản sắc văn hóa đang dần bị mai một, giá trị văn hóa truyền thống chưa được phát huy. Công tác giáo dục, y tế đã được quan tâm nhưng chưa đồng bộ, tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều…

Nhận định về nguyên nhân, ông Toán cho rằng đồng bào có trình độ dân trí thấp, không nắm được khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, chất lượng sản phẩm kém, ko có kế hoạch chi tiêu; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động đồng bào La Ha của một số đoàn thể ở thôn chưa kịp thời, một số chính sách dân tộc đã được đầu tư nhưng chưa tập trung, nhiều chính sách đầu tư tạo ra sự trông chờ, ỷ lại ở nhóm dân tộc này. Dân tộc La Ha sinh sống tập trung chủ yếu ở các vùng đặc biệt khó khăn, các xã khu vực III, có tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn 1,5 lần trở lên so với bình quân chung tỷ lệ hộ nghèo của 53 dân tộc thiểu số.

Để đưa dân tộc La Ha vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, tiếp tục củng cố sự bình đẳng đoàn kết giữa các dân tộc, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 2477/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 phê duyệt hỗ trợ và phát triển kinh tế -xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn để thực hiện “Đề án hỗ trợ kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025” theo Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội đang được triển khai sẽ là đòn bẩy giúp đồng bào nơi đây sớm vượt qua khó khăn. Trước mắt, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La sẽ rà soát lại toàn bộ từ cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ sản xuất; những phong tục, tập quán, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc La Ha đã bị mai một để khôi phục; đồng thời rà soát lại địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc La Ha để có các giải pháp phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực