Độc đáo nghề se lanh dệt vải của đồng bào dân tộc Mông ở Lùng Tám, Hà Giang

Chủ nhật, 25/12/2022 09:36
(ĐCSVN) - Những công đoạn làm nên loại thổ cẩm đầy sắc màu của người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn giờ đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc đầy sức cuốn hút đối với mỗi du khách khi đến khám phá làng dệt thổ cẩm truyền thống Lùng Tám ở huyện Quản Bạ, Hà Giang.
Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu của những tấm thổ cẩm lanh của người Mông ở Lùng Tám chính là việc tạo nên những hoa văn, họa tiết bằng sáp ong. 

Người Mông sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) vẫn tự hào rằng, họ có nghề truyền thống góp phần làm nên bản sắc độc đáo của vùng Đông Bắc, đó là nghề se lanh dệt vải.

Đúng như thế. Để sản xuất ra một sản phẩm được làm từ vải thổ cẩm. Bà con người dân tộc Mông trên các huyện vùng cao Hà Giang phải mất rất nhiều công lao động bởi các công đoạn sản xuất đều làm thủ công. Sự cầu kỳ đó như càng tôn thêm giá trị, vẻ đẹp của một sản phẩm thổ cẩm.

Nằm dưới chân núi cao, làng nghề dệt lanh Lùng Tám là một địa điểm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền không thể bỏ qua khi du lịch Hà Giang. Nghề se lanh, dệt vải của đồng bào dân tộc Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã có cách đây hàng trăm năm.

Những công đoạn làm nên loại thổ cẩm đầy sắc màu của người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn giờ đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc đầy sức cuốn hút đối với mỗi du khách khi đến khám phá làng dệt thổ cẩm truyền thống Lùng Tám ở huyện Quản Bạ.

Để làm ra được tấm vải lanh, người Mông phải tốn khá nhiều công. Đầu tiên là phải khéo léo tước cây lanh lấy vỏ. Những bó vỏ lanh được cuộn chặt rồi cho vào cối giã cho bong hết bột chỉ còn trơ lại sợi dai. Những bó sợi lanh được xe và cuộn lại thành những con sợi lớn.

Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh đã trắng và mềm hơn, những người phụ nữ Mông bắt đầu ngồi vào khung dệt của mình. Tấm vải được dệt xong còn phải giặt lại nhiều lần cho thật trắng.

Sau đó, tấm vải lanh sau khi dệt sẽ được nhuộm, màu chàm đen cùng nhiều màu sắc khác sẽ là chủ đạo nhưng người Mông còn nhuộm những màu khác như đỏ, vàng, xanh sẫm. Tất cả các màu để nhuộm đều được chiết từ lá cây rừng, không có hóa chất công nghiệp.

Một trong những điều đặc biệt tạo nên thương hiệu của những tấm thổ cẩm lanh của người Mông ở Lùng Tám chính là việc tạo nên những hoa văn, họa tiết bằng kỹ thuật thêu đắp vải màu và vẽ hoa văn sáp ong độc đáo.

Để làm ra được tấm vải lanh, người Mông phải tốn khá nhiều công. Cây lanh thu hoạch về được tách và xe thành sợi nhỏ. 

Nếu có dịp trải nghiệm, theo dõi đồng bào dân tộc Mông thêu đắp vải màu và vẽ hoa văn, chúng ta phải thấy rằng, công đoạn này làm nên hồn cốt của thổ cẩm tộc người Mông là cách. Theo đó, những thợ dệt sẽ phải dùng dùng sáp ong được đun nóng để vẽ trên nền vải những họa tiết truyền thống của người Mông. Sau khi vẽ xong, đem nhuộm chàm, phần sáp ong không thấm màu sẽ để lại những hình hoa văn sinh động trên vải.

Hầu hết các họa tiết được thêu, vẽ, chắp vải trên nền vải lanh trắng hoặc vải đỏ, có định hình sẵn là các bộ phận của áo, váy. Sau khi hoàn thiện trang trí từng bộ phận riêng lẻ, người ta mới may ráp, hoàn chỉnh váy, áo…

Trải qua bao công sức làm ra sản phẩm ban đầu, đồng bào dân tộc Mông không chỉ dùng may áo váy, khăn quàng, túi xách phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày, mà thổ cẩm lanh Lùng Tám còn được dùng để trang trí cho các quán ăn, khách sạn như những bức tranh đặc sắc, hay lại hóa thân thành những món đồ lưu niệm nhỏ xinh cho tầng lớp trẻ. Đồng bào nơi đây còn năng động lập fanpage để quảng bá sản phẩm và văn hóa của mình trên mạng xã hội.

Không chỉ dùng may áo váy, khăn quàng, túi xách phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày, mà thổ cảm lanh Lùng Tám còn được dùng để trang trí cho các quán ăn, khách sạn như những bức tranh đặc sắc, hay lại hóa thân thành những món đồ lưu niệm nhỏ xinh cho các cô cậu học trò.

Sắc màu rực rỡ đến từ làng dệt thổ cẩm Lùng Tám Hà Giang. 

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của đồng bào, vải lanh Lùng Tám đã có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, vinh dự được giới thiệu, trưng bày tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại nước ta vào năm 2015. Với những giá trị văn hóa và thực tiễn đời sống, kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông ở Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 1/2016.

Có được thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm ngày càng được nhiều du khách biết đến. Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm lanh Lùng Tám đã theo chân du khách đến khắp mọi miền đất nước và đã được xuất khẩu tới hơn 20 nước, không chỉ đem lại thu nhập mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông.

Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám sản xuất với nhiều sản phẩm đa dạng như: Quần áo, ví, khăn, chăn, khăn trải bàn, túi thổ cẩm, tấm trang trí, vỏ gối… Điểm nhấn của những sản phẩm là chất liệu lanh  và được làm theo phương pháp thủ công từ xưa truyền lại cho tới ngày nay. Các sản phẩm của người dân Lùng Tám đều mang những nét văn hóa truyền thống. Những hình ảnh, màu sắc trên mỗi sản phẩm mang dấu ấn vùng cao nguyên đá Hà Giang. Đặc biệt là những đường nét văn hóa người Mông được khắc họa trên những đường thêu đầy ý nghĩa.

Đến với Hà Giang hãy ghé qua làng dệt thổ cẩm Lùng Tám, để tìm hiểu nét đẹp văn hóa nơi đây cũng như khám phá một trong những nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam nói chung và của người dân Lùng Tám nói riêng ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc yêu thương./.

Bài và ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực