Gia Lai: Phấn đấu trên 90% người dân vùng DTTS đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông

Thứ sáu, 16/12/2022 07:20
(ĐCSVN) - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc hướng dẫn triển khai thực hiện xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Ảnh minh họa 

Mục tiêu hướng tới là nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ. Đến năm 2025, người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%.

Nội dung thực hiện là xây dựng tài liệu phục vụ hướng dẫn dạy xóa mù chữ, thiết kế công nghệ, thiết bị lưu trữ cơ sở dữ liệu về xóa mù chữ, dạy học xóa mù chữ; bồi dưỡng, tập huấn, truyền thông, tuyên truyền; hỗ trợ người dân học xóa mù chữ; hỗ trợ tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh giao cho các địa phương thực hiện công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: Số người học xóa mù chữ là 23.475 người; số lớp học xóa mù chữ là 735 lớp; số lượng tài liệu, sách giáo khoa, văn phòng phẩm phát cho người học là 23.475 bộ; số lượng đơn vị mua sắm trang thiết bị dạy xóa mù chữ là 176 bộ.

Kinh phí phân bổ thực hiện xóa mù chữ giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 46,5 tỷ đồng.

Trong năm 2022, kế hoạch xóa mù chữ gồm: Số người học xóa mù chữ là 2.346 người; số lớp học xóa mù chữ là 79 lớp; số lượng tài liệu, sách giáo khoa, văn phòng phẩm phát cho người học là 2.346 bộ; số lượng đơn vị mua sắm trang thiết bị dạy xóa mù chữ theo kế hoạch mở lớp.

Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn tài liệu liên quan đến công tác xóa mù chữ và tổ chức thiết kế các thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị lưu trữ về xóa mù chữ, dạy học xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng nội dung và biên soạn các tài liệu, học liệu bảo đảm đáp ứng nhu cầu thiết thực và phù hợp với công tác xóa mù chữ tại địa phương.

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tại vùng đồng bào DTTS và miền núi xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS…/.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực