Kon Tum: Những kết quả tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ ba, 27/12/2022 09:15
(ĐSCVN) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Người dân huyện Đăk Hà thu hoạch cà phê - Ảnh: Báo Kon Tum

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới ở phía Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới dài hơn 292km tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Campuchia. Diện tích tự nhiên gần 10.000 km2, chiếm khoảng 17,7% diện tích Tây Nguyên và chiếm 3,1% diện tích toàn quốc. Dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2021 là 568.780 người; dân tộc thiểu số hơn 312 nghìn người chiếm 54,9% với 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 07 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié-Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm.

Kon Tum có 102 xã, phường thị trấn, trong đó có 52 xã khu vực III, 05 xã khu vực II, 35 xã khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua, triển khai thực hiện các chương trình chính sách dân tộc luôn được sự Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp của tỉnh Kon Tum quan tâm, chỉ đạo và sự tham gia đồng thuận của người dân. Kết quả, giai đoạn 2016-2020, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được nâng lên; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Tính đến cuối năm 2020, số hộ nghèo DTTS là 13.688 hộ, chiếm 18,75% so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 6,67%/năm (từ 46,57% vào cuối năm 2015 xuống còn 18,75% vào cuối năm 2020); trong 5 năm, tổng số hộ DTTS thoát nghèo là 23.856 hộ.

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thực hiện. Trong đó, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 19/5/2022 “về lãnh đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.

Quá trình triển khai, đến nay, UBND tỉnh đã hoàn thành việc đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 cho các sở, ngành và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo theo tiến độ yêu cầu của Trung ương.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kon Tum được Trung ương phân bổ hơn 2.752,66 tỷ đồng vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch bố trí nguồn ngân sách địa phương đối ứng là 623,45 tỷ đồng.

Cụ thể, nguồn vốn đầu tư cho thực hiện các chương trình là: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gần 1.728,07 tỷ đồng, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hơn 637,72 tỷ đồng, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 386,87 tỷ đồng.

Riêng năm 2022, tỉnh Kon Tum có tổng số vốn thực hiện các chương trình MTQG là trên 898,43 tỷ đồng. UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho các sở, ngành và địa phương thực hiện. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 272 công trình tại các huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho khoảng 24.235 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; triển khai thực hiện 12 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; tổ chức tư vấn cho 1.963 người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tư vấn cho lao động sau khi về nước tại địa phương…

Theo kế hoạch tỉnh đề ra, đến ngày 31/1/2023, toàn tỉnh sẽ giải ngân đạt khoảng 90% kế hoạch kinh phí Trung ương giao.

Nhiều dự án phát triển kinh tế đã được triển khai nhân rộng trong vùng DTTS - Ảnh: Tuyên giáo Kon Tum 

Chia sẻ về mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình MTQG, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum U Minh Nam cho biết: Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì tham mưu xây dựng Đề án Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025” trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của Đề án phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân 3-4%/năm; trên 90% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối internet băng thông rộng; trên 50% xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn so với tổng số xã thuộc diện khó khăn hiện nay…

Kon Tum cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 60 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 4 huyện và Thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới, hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Để thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG trên địa bàn, Kon Tum  đã xác định 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện. Trong đó, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và Nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với Chương trình; Tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp, hỗ trợ các địa phương rà soát, xác định, xây dựng và triển khai các nội dung, hoạt động, nhiệm vụ Chương trình; kịp thời hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để hoàn thành mục tiêu năm 2023. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể các cấp, vai trò chủ thể của người dân trong giám sát, phản biện, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đánh giá địa phương có vị trí địa lý địa hình và khí hậu thường xuyên bị mưa lũ, sạt lở đất do dẫn đến xây dựng các công trình, dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn, thường xuyên bị thiên tai tàn phá, hư hỏng, Kon Tum đã đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, xem xét phân bổ thêm nguồn lực đầu tư từ các nguồn ODA, để địa phương dành nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm như: Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững; Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả; Dự án hỗ trợ phát triển biên giới; Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập; Dự án an ninh y tế khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng; Dự án  bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng tỉnh Kon Tum; Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei, thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh…/.

Binh Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực