|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giang Thị Dung chia sẻ tại Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực và thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. |
Thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 đạt được kết quả nổi bật
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới có 7 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố với 152 xã, phường, thị trấn, trong đó có 138 xã, phường, thị trấn vùng DTTS và MN (có 66 xã khu vực III, 04 xã khu vực II, 68 xã khu vực I, có 605 thôn đặc biệt khó khăn). Lào Cai có 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số, sống trải dài ở 138 xã, phường, thị trấn. Do vậy, ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát huy vai trò của đồng bào DTTS được Lào Cai xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giang Thị Dung, trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai với với sự quyết tâm, lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội; cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 và đã đạt được những thành tựu nổi bật.
Kết quả được thể hiện ngay từ năm 2021, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện các chương trình, như: Ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, 2022; chủ động thành lập Ban Chỉ đạo chung các Chương trình MTQG và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Đầu năm 2022, tỉnh đã chủ động xây dựng và sớm ban hành các cơ chế chính sách để triển khai thực hiện các chương trình MTQG (Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; giao kế hoạch vốn triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; quy định một số nội dung về cơ chế thực hiện các chương trình MTQG). Đến ngày 15/8/2022, UBND tỉnh đã ban hành xong các kế hoạch thực hiện từng Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Cụ thể, kết quả giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách trung ương thực hiện các chương trình MTQG tính đến nay được 189.677 triệu đồng/878.437 triệu đồng, đạt 21,6% kế hoạch giao (tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các Chương trình MTQG của cả nước theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/10/2022 là 4,2%, các tỉnh miền núi phía Bắc là 3,44%). Trong đó, Chương trình MTQG DTTS và miền núi giải ngân 131.031 triệu đồng, đạt 34,3% kế hoạch giao; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân 45.744 triệu đồng, đạt 25,1% kế hoạch giao; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân 12.902 triệu đồng, đạt 4,1% kế hoạch giao.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 28/3/2014 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đến nay, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã tạo đà phát triển toàn diện khu vực nông thôn của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên.
Hiện nay, toàn tỉnh có 65/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2014-2021, tỉnh Lào Cai bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS là 11.304.812 triệu đồng. Khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư phát triển: 100% xã và 98% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 95% số hộ được xem truyền hình; trên 95% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% xã vùng đồng bào dân tộc có điện lưới quốc gia, tỷ lệ thôn, bản có điện lưới quốc gia đạt 95,8%. 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đều có nhà lớp học kiên cố tại trường chính, hoàn thành đầu tư nhu cầu nhà ở công vụ giáo viên, nhà ở học sinh bán trú, nhà vệ sinh, nhà tắm cho các trường phổ thông dân tộc nội trí, bán trú đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh. Toàn tỉnh có 138 xã/138 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 123/138 xã có nhà văn hóa xã, 100% các thôn bản có nhà văn hóa thôn, 113/138 xã có sân luyện tập thể thao; 99/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới về cơ sở vật chất văn hóa.
Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS đã giảm bình quân 5%/năm. Năm 2021, số hộ nghèo DTTS là 41.195 hộ/102.919 hộ DTTS, tỷ lệ nghèo DTTS là 40,03%. Thu nhập bình quân tại các xã đặc biệt khó khăn đạt 26 triệu đồng/người/năm.
Vận dụng hiệu quả việc thu hút các nguồn lực thông qua hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển
Nhằm đẩy mạnh việc huy động vốn phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giang Thị Dung chia sẻ, cùng với sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã vận dụng nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội tương đối hiệu quả, đặc biệt là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển với các nước, các tổ chức kinh tế quốc.
|
Lào Cai tăng cường hợp tác quốc tế, huy động hiệu quả nguồn vốn qua đó đã góp phần đẩy mạnh phát kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: Cổng thông tin Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch |
Cụ thể, trong quan hệ hợp tác song phương: Lào Cai đẩy mạnh và duy trì mở rộng hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), với Vùng Aquitaine (Cộng hòa Pháp), tỉnh Brest (Cộng hoà Belarus),... các tổ chức tài chính lớn như: Ngân hàng thế giới; Ngân hàng phát triển Châu Á; Cơ quan phát triển Pháp; JICA Nhật Bản; KOICA Hàn Quốc… và các nhà đầu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, các công ty, tập đoàn đa quốc gia nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Kết quả đó, được thể hiện trong giai đoạn 2010-2020, tỉnh thu hút nguồn vốn ODA, giai đoạn 2010 - 2020, với 40 chương trình, dự án ODA được thực hiện và hoàn thành với tổng mức đầu tư 10.580 tỷ đồng. Các chương trình, dự án ODA tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng nông thôn, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, hỗ trợ sản xuất, cải thiện đời sống, sức khỏe, giảm nghèo tại các xã, huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Về thu hút nguồn vốn FDI, Lào Cai thu hút được 401,8 triệu USD vốn FDI tăng thêm, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch - dịch vụ. Về các dự án NGO, tỉnh tiếp nhận tổng số 252 chương trình, dự án, khoản viện trợ với tổng vốn là 593,058 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ phát triển bền vững ngành nông nghiệp, cải thiện điều kiện, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao quyền của phụ nữ...
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, theo đánh giá của UBND tỉnh Lào Cai, hiệu quả từ các chương trình, dự án ODA đem lại là rất thiết thực, hàng năm bổ sung cho ngân sách tỉnh trung bình khoảng 35-40 triệu USD tương đương 700-800 tỷ đồng, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo tiền đề, động lực lớn cho phát triển địa phương; thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở các xã miền núi khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện môi trường, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu của người dân. Qua việc thực hiện các dự án, mối quan hệ hợp tác phát triển giữa tỉnh Lào Cai và các nhà tài trợ được củng cố, tăng cường và mở rộng.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, Lào Cai đang gặp một số khó khăn, như số lượng dự án được tài trợ vốn ODA, vốn vay ưu đãi còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển. Việc giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của một vài dự án chưa đảm bảo tiến độ theo hiệp định đã ký kết; việc phải tuân thủ cả thủ tục trong nước cũng như thủ tục của nhà tài trợ đã khiến cho quá trình trình phê duyệt dự án phải qua nhiều khâu, nhiều bước phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Một số văn bản Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành còn chung chung, chưa cụ thể nên khó khăn trong quá trình thực hiện...
Mặc dù kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, xong Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao, huy động nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, hạ tầng nông thôn còn thiếu và yếu; đời sống nhân dân vùng cao nhiều nơi vẫn còn rất khó khăn, nhất là vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Trong thời gian tới, cùng với các mục tiêu đặt ra, trong đó mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 khoảng 4.310 tỷ đồng và nhu cầu đầu tư lĩnh vực du lịch khoảng 24.771 tỷ đồng. Lào Cai đã xác định rất rõ, ngoài sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Lào Cai rất cần sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành ở trung ương và các nhà tài trợ quốc tế.
Đặc biệt, các nguồn vốn ODA hỗ trợ các địa phương xây dựng các công trình hạ tầng có tính kết nối hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu của liên xã, liên huyện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (đường giao thông, trường trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, công trình xử lý chất thải; hỗ trợ trợ kỹ thuật cho Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; dự án hỗ trợ sinh kế cộng đồng; hỗ trợ giảm nghèo bền vững; mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh (nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại và phát triển du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số); đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số…/.