Nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ năm, 17/11/2022 17:04
(ĐCSVN) - Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng, vượt khó vươn lên, tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, là chúng ta đã thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong những ngày đầu mới về nước chỉ đạo hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào sự bao bọc, che giấu của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở chiến khu Việt Bắc. Sống và chia ngọt sẻ bùi với đồng bào, hiểu được đồng bào cùng những khó khăn do điều kiện tự nhiên, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt, đồng thời mong muốn cuộc sống của đồng bào tiến kịp với miền xuôi. Bác nhận định, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chịu hy sinh gian khổ vì mục đích, lý tưởng. Tuy nhiên, do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, họ sống rải rác với phong tục, tập quán khác nhau. Do đó, Người luôn đau đáu 2 điều, làm sao để đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào đồng bào: “Chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào” (1).

 Bác Hồ với phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Ghi nhận những đóng góp của đồng bào DTTS và miền núi đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, 3 tháng sau ngày nước nhà độc lập, tại Hội nghị đại biểu các DTTS Việt Nam, ngày 3/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đó là nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc. Người cũng khẳng định, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, do đó “Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt: a) Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng. b) Về văn hoá, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc".

Quan tâm đến công tác dân tộc, Quốc hội mới thành lập của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có 333 đại biểu Quốc hội, trong đó, có tới 34 đại biểu của đồng bào DTTS. Ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số. Đây là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên về lĩnh vực dân tộc của nước ta có chức năng, nhiệm vụ xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam.

Trong những năm tháng làm Chủ tịch nước, Người luôn quan tâm, đi thăm, chia sẻ, động viên đồng bào DTTS và miền núi. Người đã đi thăm nhiều nơi, gửi nhiều bức thư tới đồng bào, tuyên dương những địa phương làm tốt trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, trong xây dựng hợp tác xã và phát triển văn hoá, nâng cao dân trí. Người chỉ ra những mặt còn tồn tại, những khuyết điểm cần phải khắc phục trong công tác lãnh đạo, công tác đoàn thể, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, trong việc xây dựng đời sống văn hoá mới với mong muốn nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Đảng và Nhà nước ta dành nhiều chính sách nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Ảnh: HP 

Dành tình cảm đặc biệt đối với đồng bào DTTS, trong những năm tháng cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Thực hiện lời dặn của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách dân tộc theo nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển”; đề ra nhiều chính sách dân tộc. Đảng và Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách khá đồng bộ, đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 – 2020, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 118 nghị quyết, nghị định, quyết định về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành nhằm đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Từ việc thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, đời sống đồng bào DTTS và miền núi đã có những chuyển biến quan trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn, miền núi được củng cố và tăng cường; các công trình thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, chợ thương mại được xây dựng khang trang hơn trước, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng DTTS và miền núi; đời sống của của đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, hằng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. 

 Hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách chăm sóc y tế với trẻ em xã Măng Cành, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Đinh Phương 

Đến Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (2).

Đặc biệt, ngày 19/6/2020, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được Quốc hội khóa XIV thông qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt chương trình ngày 14/10/2021. Đây là một giải pháp đột phá, có tính lịch sử, nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng “lõi nghèo” của cả nước, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước với vùng DTTS và miền núi. Chương trình là một bước triển khai thực hiện phương hướng, mục tiêu chung về công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số”. Đây là lần đầu tiên có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào vùng DTTS và miền núi, mà mục đích cao nhất là thực hiện mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”.

Phấn đầu năm 2025, 50% số thôn, bản ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tăng cường y tế, giáo dục, văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con... 

Chương trình mục tiêu hiện đang được triển khai rộng khắp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước với quyết tâm chính trị cao nhất, nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra: đến năm 2025, mức thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số gấp 2 lần năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi mỗi năm giảm trên 3%, 50% số thôn, bản ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tăng cường y tế, giáo dục, văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con...

Việc thực hiện Chương trình có đạt được những mục tiêu đề ra hay không, cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân ta. Ngoài việc thực hiện nhất quán và triệt để những nội dung trong Chương trình, các cấp chính quyền cần sáng tạo trong cách thức nhằm phải phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng, vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS, tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt những mục tiêu, giải pháp đề ra trong Chương trình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS và miền núi, là chúng ta đã thực hiện tốt di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, cũng là thực hiện khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

-------------------------

1.   Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t10, tr.608.

2.   Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, NXB Chính trị quốc gia, tập 1, trang 170-171.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực