Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trong bối cảnh hội nhập
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, 15 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN đã có bước phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường. Đặc biệt, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, phong tục, tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống... được quan tâm.
|
Ông Rơ Mah Khơn (làng Khop, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đau đáu
giữ tiếng cồng chiêng vang mãi buôn làng. |
Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, vừa thể hiện bản sắc tộc người, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa chung. Những năm qua, hệ thống văn hóa từ tỉnh tới cơ sở đã coi trọng việc phát hiện, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng, phát hiện những giá trị mới về văn học - nghệ thuật của các dân tộc thiểu số. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã và đang được bảo tồn và phát triển.
Tuy nhiên, dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền đang có những tác động không nhỏ tới văn hóa bản địa. Một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đứng trước nguy cơ mai một. Không gian văn hóa bị tác động, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ có xu hướng “thờ ơ” với văn hóa truyền thống, ít quan tâm đến việc bảo tồn các phong tục, tập quán, các lễ nghi tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống...
Dưới sự tác động mạnh mẽ của đời sống hiện đại, nếu không có giải pháp bảo tồn phù hợp, sẽ làm “bào mòn” di sản văn hóa còn lại của đồng bào dân tộc ít người, mà một biểu hiện cụ thể của nó là hiện nay một số phong tục, tập quán mang nét đẹp văn hóa lâu đời của đồng bào các DTTS đang bị biến tướng, không phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào…; một số dân tộc chỉ còn lại số ít người già, cao tuổi biết tiếng của dân tộc mình; những lễ hội truyền thống, những tục lệ đẹp có khi chỉ còn trong trí nhớ của một số nghệ nhân, già làng, trưởng bản.
Đứng trước những nguy cơ đó, ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh: “…chú trọng nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu…”.
Cụ thể hóa Kết luận số 65, Quốc hội Khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025. Trong đó, dành riêng Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Mục tiêu của Dự án là Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các DTTS rất ít người. Dự án ưu tiên đầu tư, huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các DTTS có tiềm năng phục vụ phát triển du lịch, có nguy cơ mai một, các DTTS rất ít người; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng DTTS…
|
|
Vòng xòe ngày hội tại Đêm vinh danh nghệ thuật Xòe Thái (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) tháng 9/2022. (Ảnh: baodantoc.vn) |
Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS ngoài sự giúp sức của thể chế, chính sách, đòi hỏi bản thân dân tộc đó phải có bản lĩnh, cần nâng cao năng lực tự bảo vệ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, việc làm này gặp không ít những khó khăn, bất cập như: điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương và của chính bản thân đồng bào trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vẫn còn hạn chế; một số đơn vị, địa phương, cơ sở còn coi nhẹ vị trí, vai trò của công tác văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, kinh phí đầu tư hạn hẹp…
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay cần có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân người DTTS – những người lưu giữ một kho tàng đồ sộ về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, phong tục, tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đây cũng chính là đội ngũ chủ chốt để truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS.
Phát huy vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc
Hiện nay, ngoài số nghệ nhân dân tộc thiểu số được nhà nước phong tặng danh hiệu (559 người), còn hàng ngàn người tâm huyết đang cố gắng bảo tồn, lưu giữ, phục dựng, truyền dạy, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, đồng bào các DTTS chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đa số các nghệ nhân không sống được bằng “nghề” mà chủ yếu từ sự yêu nghề, tâm huyết, muốn bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ mai sau mà vượt qua mọi khó khăn; nhiều nghệ nhân lớn tuổi vẫn đau đáu, loay hoay chưa tìm ra con đường để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là đối với nhóm dân tộc rất ít người. Việc làm hồ sơ gửi các cấp có thẩm quyền xét tặng, công nhận Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân dân còn nhiều khó khăn, bất cập, nhiều nghệ nhân thiếu thông tin, không biết tiếng phổ thông, họ cũng chưa biết giá trị khi nhận được sự công nhận của Nhà nước; việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS (Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian...) chủ yếu do truyền dạy từ đời này, sang đời khác (không có tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng như băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức, kỹ năng…).
|
Nghệ nhân Rơ Mah Kim (làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) kể Khan cho phóng viên nghe dưới gốc cây đa "Di sản Việt Nam - 400 tuổi".
|
Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS thì vai trò của các nghệ nhân trong đồng bào DTTS là hết sức quan trọng. Để phát huy vai trò của nghệ nhân các DTTS cũng như tạo điều kiện để họ thuận lợi trong hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa, cần chú trọng một số giải pháp như: Rà soát, thống kê, định kỳ tôn vinh, khen thưởng đội ngũ nghệ nhân được phong tặng và nghệ nhân được cộng đồng dân cư trên địa bàn ghi nhận; quan tâm, tạo điều kiện cho các nghệ nhân bảo tồn, lưu giữ, phục dựng và phát huy những giá văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Có cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi, chính sách hỗ trợ, tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đối với nghệ nhân; lựa chọn, suy tôn nghệ nhân đại diện cho từng dân tộc, từng tộc người. Có giải pháp tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi về tầm quan trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số”; tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy văn hóa truyền thống. Tăng cường tổ chức các ngày hội văn hóa các dân tộc để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp thấm sâu trong đời sống nhân dân.
Đặc biệt, cần tổ chức, triển khai có hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN./.