Đăng ký thường trú cho người lao động tại Thủ đô: Đừng để thành gánh nặng!

Thứ hai, 10/07/2023 15:54
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại Hà Nội vừa được thông qua không được nhiều người lao động chờ đón. Họ cho rằng quy định đó là tạo thêm gánh nặng. Vậy đâu là giải pháp để gỡ cũng là nhằm khắc phục tình trạng quá tải về tăng mật độ dân số tại Thủ đô đang năm sau cao hơn năm trước?

 

Quy định phải đảm bảo diện tích 15m2 sàn/người khiến nhiều công nhân, người lao động gặp khó khăn khi đăng ký thường trú. 

Tạo thêm áp lực, gánh nặng chi phí cuộc sống người nghèo

HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố (TP) Hà Nội. Theo đó, diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ đối với khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người; đối với khu vực nội thành là 15m2/sàn/người.

Tuy nhiên, Nghị quyết nêu trên lại không được nhiều người lao động chờ đón. Họ cho rằng quy định đó là thiếu căn cứ thực tế, thậm chí làm khó cho người không có nhà, tạo thêm gánh nặng cho người yếu thế ở đô thị.

Bởi vì quy định mỗi người phải thuê tối thiểu 15m2, hai vợ chồng tính ra là 30m2, thêm một đến hai người con thì diện tích lên đến 60m2. Nhà đi thuê 45 - 60m2 lên đến cả gần chục triệu thì tiền đâu cho lại đối với những người lao động....

Trên thực tế, tại Hà Nội, số lượng người dân từ các tỉnh về sinh sống và làm việc thuê trọ khá nhiều, đặc biệt là các gia đình trẻ. Nỗi lo của họ khi nghe thông tin về Nghị quyết không phải câu chuyện ở chật hay rộng, mà nếu không đáp ứng đủ điều kiện để có hộ khẩu thì họ sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính như thủ tục khai sinh cho con, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, cấp căn cước công dân... và một số thủ tục thông thường như thế chấp ngân hàng đều cần dùng đến hộ khẩu thường trú...

Đặc biệt là con họ cũng rất khó có cơ hội được đi học trường công lập. Thậm chí với tình trạng quá tải trường học tại Hà Nội như hiện nay có thể còn không xin học được... Điều này đồng nghĩa với việc những lao động có mức thu nhập trung bình không có cơ hội sinh sống ở Hà Nội.

Mặt khác, các điểm nhà trọ cho thuê tại Hà Nội thường thì diện tích không lớn. Các phòng trọ của công nhân và người lao động đều khó đạt tiêu chuẩn diện tích mặt sàn tối thiểu 8-15 m2/người như quy định...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, Hà Nội đưa ra chính sách như trên nhằm quản lý tốt hơn và hạn chế tập trung dân cư ở khu vực nội đô, tránh gia tăng áp lực lên hạ tầng xã hội, về giao thông, giáo dục, y tế… Nhưng với đề xuất quy định diện tích sàn tối thiểu 15m2/người là tạo thêm áp lực, gánh nặng chi phí cuộc sống người nghèo ở đô thị.

Theo ông Đính, một nhà 4 người sẽ phải có tối thiểu 60m2. Trong khi giá thuê 1 phòng rộng khoảng 15 - 20m2 ở các quận tại Hà Nội dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng. Như vậy, chi phí thuê nhà của người dân sẽ đội lên gấp 3 - 4 lần.

Dân số 12 quận cao gấp 4,5 lần dân số trung bình toàn thành phố

Những thực trạng nêu trên không phải là không có lý. Tuy nhiên, trước khi thông qua Nghị quyết này, thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội nêu rõ, Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều nhất tập trung ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ.

Mật độ dân số trung bình năm 2021 là hơn 2.479 người/km2. Dân cư phân bố không đều, tốc độ đô thị hóa phát triển tương đối nhanh. Đặc biệt, dân số thuộc khu vực nội đô lịch sử duy trì mật độ cao và đã vượt quá quy định. Mật độ dân số trung bình của 12 quận là 12.069 người/km2 (cao nhất là quận Đống Đa 37.869 người/km2), cao gấp 4,5 lần so với mức dân số trung bình toàn thành phố. Mật độ dân số phát triển tại khu vực trung tâm là 9.570 người/km2, vượt gần gấp đôi so với dự báo của quy hoạch chung.

Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người, nhưng đến nay quy mô đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người. Dân số của TP Hà Nội trong những năm qua tăng phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư.

Từ việc quy mô dân số tăng nhanh, mật độ dân số phát triển nóng như vậy đã tạo ra những áp lực cho chính quyền các cấp thành phố trong công tác lãnh đạo, điều hành để đảm bảo các điều kiện về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các điều kiện khác của người dân cư trú trên địa bàn thành phố, nhất là tại các quận nội thành.

Việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là một trong những tiêu chí tối thiểu để thành phố xác định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết của người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Do vậy, Ban Pháp chế đồng tình với với quan điểm và nguyên tắc xây dựng Nghị quyết của HĐND TP theo khoản 2 Điều 3 của Luật Cư trú năm 2020 là “Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cổ quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội".

Đồng tình với lí giải của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, nhiều người dân Thủ đô cho rằng, Hà Nội là Thủ đô, do đó phải sạch, đẹp, văn minh.  Nếu chỗ ở quá chật chội, mất vệ sinh, không đảm bảo môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe của người dân. Quy định nêu trên chính là yếu tố quan trọng để nâng cao hơn chất lượng sống (ăn, ở, đi lại, học hành) của người dân. Đây là giải pháp để giảm mật độ dân số tại khu vực nội thành.

Sớm có chính sách thúc đẩy hình thành các đô thị vệ tinh

PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, đại biểu Quốc hội khoá XIII nêu quan điểm, Luật Cư trú đã quy định về diện tích nhà ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Luật Thủ đô cũng đã đề cập về vấn đề này. Thủ đô là phải văn minh. Muốn văn minh thì ăn ở, học hành, đi lại phải được nâng lên. Còn nếu ở chật hẹp quá thì không thể nào bảo đảm được.

Tuy nhiên, theo bà An, cần có giải pháp khắc phục tình trạng quá tải về tăng mật độ dân số tại Hà Nội đang năm sau cao hơn năm trước. Không thể cấm người dân ở nơi khác vào Hà Nội, nhưng hiện hạ tầng xã hội lại chưa đáp ứng kịp nên giao thông, giáo dục, y tế bị quá tải. Do đó, bà An cho rằng cần có báo cáo đánh giá về thực trạng và tác động xã hội đang ở mức độ nào? Sau khi nghị quyết có hiệu lực thì ảnh hưởng đến bao nhiêu người dân? Mặt khác, cần rà soát lại toàn bộ những người thường trú xem hiện diện tích nhà ở đang là bao nhiêu. Đặc biệt thành phố nên có Quỹ nhà ở xã hội để tạo điều kiện, hỗ trợ cho những người dân đến lao động ở Hà Nội được thuê nhà với giá rẻ. Và trong tương lai giúp họ có thể mua được nhà.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cũng cho rằng, quá trình thực hiện, thành phố cần rà soát, đánh giá các tác động để điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp theo thực tế phát triển. Nên để thực tiễn kiểm nghiệm diễn ra như thế nào, có bất cập gì, lúc đó có thể điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp.

Mặt khác, theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nếu để giảm mật độ dân số tập trung đông tại khu vực nội thành thì quy định trên là hợp lý. Nhưng đi liền với quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để công dân đăng ký thường trú thì cần giải quyết vấn đề phương tiện giao thông, không để mật độ phương tiện giao thông “dồn” vào khu vực nội thành. Tức là đi kèm với quy định về diện tích tối thiểu thì phải có các biện pháp để giải quyết vấn đề giao thông.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, Nghị quyết được kỳ vọng là có thể phân bổ lại một phần dân cư. Tuy nhiên, trước mắt người dân vì mưu sinh, vì cuộc sống sẽ vẫn cố bám trụ ở khu vực thành phố. Thậm chí, việc người dân tìm mọi cách để vào nội đô còn gây ách tắc giao thông. Do đó, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, Hà Nội cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó đầu tiên cần xem xét lại quy hoạch đô thị, đẩy mạnh việc di dời các trường học, cơ quan nhà nước, bớt “nhồi” chung cư vào khu vực nội đô…

Đồng thời nên sớm có chính sách thúc đẩy hình thành các đô thị vệ tinh, có đủ các cơ quan, trường đại học, bệnh viện, các dịch vụ thương mại… tạo nhu cầu việc làm, mưu sinh gần tương tự khu vực nội đô. Lúc đó, người dân sẽ tự giãn ra vùng ngoại thành và vùng nội đô sẽ đạt được mong muốn…/.

 

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực