“Sàng lọc” các dự án FDI tiềm ẩn rủi ro

Thứ năm, 17/11/2022 14:55
(ĐCSVN) - Dù dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong các nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam, song trong thời gian qua hoạt động của một số dự án FDI cũng đã nảy sinh những vấn đề bất cập. Đã đến lúc cần có một “bộ lọc” thật sự hiệu quả trong thu hút FDI để có thể thu hút các dự án FDI chất lượng, các dự án kinh doanh có trách nhiệm.
Công ty Coca-Cola Việt Nam đã từng bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh xếp trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá (Nguồn: Cocacolavietnam.com)

Trải qua 35 năm kể từ khi Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 được ban hành, Việt Nam đã là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là điểm sáng trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Chia sẻ về vấn đề này, tại hội thảo “Công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn nhận định, so với năm 1991 – thời điểm Việt Nam chỉ tiếp nhận 1,28 tỷ USD vốn đăng ký và 428,5 triệu USD vốn thực hiện thì số vốn đăng ký và giải ngân trong năm 2021 cao hơn lần lượt khoảng 30 lần và 38 lần, dù cho đây là năm cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đóng góp quan trọng vào tạo việc làm, thúc đẩy thương mại quốc tế, thúc đẩy liên kết cụm ngành, liên kết chuỗi giá trị và góp phần nâng cao năng suất lao động. Minh chứng là theo ước tính, giá trị xuất khẩu của khu vực FDI tương đương khoảng 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam có thặng dư thương mại trong những năm gần đây.

Dù đánh giá cao tầm quan trọng của dòng vốn FDI khi cho rằng đây là một trong các nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam, nhưng ông Đậu AnhTuấn cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong thời gian qua, hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài thời gian cũng đã nảy sinh những vấn đề bất cập. Chẳng hạn, theo báo cáo của cơ quan thuế, có tình trạng một số doanh nghiệp FDI chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam.

Đơn cử, vào cuối tháng 12/2019, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã chính thức ký quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (gọi tắt Coca-Cola Việt Nam) với tổng số tiền lên đến hơn 821 tỷ đồng. Lý do, theo Tổng cục Thuế, Coca-Cola Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp quy hiện hành trong lĩnh vực thuế khi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp theo quy định.

Công ty Coca-Cola Việt Nam cũng đã từng bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Các năm từ 2012 trở về trước, công ty này liên tục kê khai số lỗ “khủng”. Đến năm 2013, công ty này bắt đầu kê khai lãi 150 tỷ đồng và tiếp tục lãi 350 tỷ đồng trong năm 2014…

Tương tự, vào cuối năm 2018, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) đã ký hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam với giá trị giao dịch lên tới hơn 4.800 tỷ đồng. Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (nộp thay) từ giá trị chuyển nhượng này gần 823 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd đã có văn bản gửi Cục Thuế TP Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế này theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa VN và Singapore. Do đó, tính đến khi cơ quan thuế thanh tra, số thuế trên vẫn chưa được doanh nghiệp nộp vào ngân sách.

Trong khi đó, theo cơ quan thuế, hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa VN và Singapore cũng như Luật dân sự nêu rất rõ nếu giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50%, nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng phải kê khai và nộp thuế ở nước sở tại. Qua thanh tra, cơ quan thuế kết luận giá trị bất động sản trên tổng tài sản chiếm hơn 50% nên yêu cầu Công ty Heineken phải có nghĩa vụ nộp số thuế trên tại Việt Nam.

Đến cuối tháng 12/2019, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã nộp 917,2 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách, gồm gần 823 tỷ đồng thuế chuyển nhượng và tiền chậm nộp, sau khi cơ quan thuế ban hành kết luận thanh tra và quyết định thu thuế đối với thương vụ chuyển nhượng vốn của Công ty Heineken Hà Nội.

Cho dù các doanh nghiệp FDI này đã khắc phục sai phạm và dần thực hiện nghiêm túc những quy định pháp quy hiện hành của Việt Nam, song phải thẳng thắn mà nói, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam hay Công ty Coca-Cola Việt Nam đã tạo ra những hình ảnh không đẹp về doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa tuân thủ tốt các quy định về môi trường của pháp luật Việt Nam, tạo ra nhiều hệ quả cho xã hội. Vụ việc tại biển miền Trung năm 2016 hay xa hơn là vụ việc xả thải ra sông Thị Vải năm 2009 là những lời nhắc nhở về những rủi ro tiềm tàng đối với môi trường mà các dự án FDI có thể gây ra nếu không được quản lý, giám sát tốt.

Ngoài ra, tình trạng quan hệ lao động trong một số doanh nghiệp chưa tốt, người lao động bị đối xử thiếu công bằng, thậm chí ngược đãi cũng đã xảy ra tại một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các vụ đình công diễn ra không ít ở một số doanh nghiệp FDI.

Ông Đậu Anh Tuấn khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách quan trọng trong tầm nhìn thu hút FDI. Minh chứng là Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị đã đặt nền tảng mới cho chiến lược thu hút FDI của Việt Nam, tạo cơ hội hướng tới các nguồn FDI chất lượng cao, khẳng định nhiều chính sách quan trọng như chú trọng vào chất lượng chứ không chạy theo số lượng, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế… Trước đó, Chính phủ cũng đã xây dựng Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 – 2030. Đặc biệt những năm gần đây, khung khổ pháp lý đã có những điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng, Thí dụ như Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 và nhiều luật chuyên ngành khác.

Bên cạnh đó, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới cũng tạo động lực cho Việt Nam hài hòa các quy định về tính minh bạch của luật pháp, về bảo vệ người lao động và phòng chống tham nhũng. Những điều này thúc đẩy các doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thực hành kinh doanh có trách nhiệm hơn. Song nhu cầu về một “bộ lọc” trong thu hút FDI để thu hút các dự án FDI chất lượng, các dự án kinh doanh có trách nhiệm hiện vẫn rất lớn. Bởi chúng ta có chính sách nhưng thiếu vắng những hướng dẫn chi tiết hay những công cụ hỗ trợ việc sàng lọc, đánh giá, thẩm định dự án đầu tư ở các địa phương.

Để dần hiện thực hoá điều này, dưới sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế quan trọng, VCCI đã xây dựng công cụ “sàng lọc” các dự án FDI. Công cụ bao gồm: các đánh giá bắt buộc về việc liệu dự án có tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư tại Việt Nam; các đánh giá bắt buộc về những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế, xã hội và môi trường và các tiêu chí khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ dựa trên các thông lệ quốc tế và thực tiễn tốt về kinh doanh có trách nhiệm.

Thực tế, dù mới là bước thí điểm đầu tiên nhằm đưa ra các khuyến nghị hỗ trợ các địa phương sử dụng trong chọn lọc các dự án FDI, song bộ công cụ “sàng lọc” đã phần nào phát huy hiệu quả. Nhưng thế vẫn là chưa đủ, rất cần có sự đồng lòng, thống nhất và chung tay của các cơ quan chức năng, các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai một cách chính thức trong công tác thẩm định dự án FDI. Đồng thời, tham mưu xây dựng khung khổ pháp lý cho việc thu hút các dự án đầu tư hiệu quả, chất lượng, các doanh nghiệp FDI kinh doanh có trách nhiệm./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực