Đổi mới mạnh mẽ công nghệ giáo dục và đào tạo tại các trường sư phạm

Thứ bảy, 27/08/2011 19:50

Ngày 27/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị toàn quốc các trường sư phạm tại 6 điểm cầu trên cả nước: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Nghệ An, Cần Thơ. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, lãnh đạo các cục, vụ chức năng và đại biểu của Sở Giáo dục và Đào tạo, trường sư phạm các địa phương…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Ngành Giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt công nghệ giáo dục
của các trường sư phạm - Ảnh Chinhphu.vn


Hiện nay, toàn quốc có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non. Việc phát triển hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên phản ánh sự năng động của các cơ sở giáo dục đại học, góp phần cung cấp nguồn giáo viên đáp ứng nhu cầu của phát triển giáo dục. Tuy nhiên, sự phát triển này phần lớn do nhu cầu nội tại của các cơ sở giáo dục đại học chứ chưa thực sự được định hướng bởi một quy hoạch tổng thể và thật sự xuất phát từ nghiên cứu, khảo sát nhu cầu nhân lực giáo dục xét cả ở tầm địa phương và cả nước. Tại Hội nghị, đại diện các trường sư phạm cũng nêu một số khó khăn như việc thu hút sinh viên vào ngành thấp do lương của giáo viên so với các ngành khác còn thấp; nhiều sinh viên khi ra trường có năng lực kiến thức chuyên môn cao nhưng kỹ năng sư phạm còn hạn chế. Đặc biệt, việc thực hành của sinh viên sư phạm ở các trường phổ thông cũng là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Hiệu trưởng ĐH Giáo dục - ĐHQG HN cho rằng: Việc sinh viên sư phạm ồ ạt đi thực tập cùng 1 thời điểm sẽ thành gánh nặng cho các trường phổ thông, khiến chất lượng thực tập cũng không đảm bảo. Các đại biểu đề nghị có thể chia thời gian thực tập của sinh viên thành các kỳ thực tập quanh năm, biến thành hoạt động thường xuyên.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Hiện nay, ngành giáo dục đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất... nhưng lại có thuận lợi hơn những năm trước về chính sách, chủ trương. Việc rà soát xây dựng kế hoạch nhân lực đã được giao về từng bộ, ngành, địa phương, đảm bảo có số lượng chính xác cho các nhà giáo dục xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, không để cung không đủ cầu hoặc cung thừa dẫn đến tình trạng lao động thất nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần yêu cầu các địa phương sớm hoành thành quy hoạch nhân lực giáo dục địa phương để hoàn thành quy hoạch nhân lực ngành và công bố sớm. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các trường có sự liên kết chặt chẽ hơn, đặc biệt là giữa hệ thống trường sư phạm với trường phổ thông, biến các trường phổ thông trở thành vệ tinh đào tạo để sinh viên sư phạm có cơ hội nâng cao hơn kỹ năng của mình. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các trường sư phạm phải để sinh viên tiếp xúc với chương trình phổ thông mới, cung cấp kỹ năng cho những giáo viên tương lai không bị “bỡ ngỡ” khi ra trường. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ xây dựng tiêu chuẩn và quy trình đánh giá chất lượng của giảng viên các trường sư phạm; triển khai hoạt động đào tạo theo nhu cầu xã hội, triển khai việc nghiên cứu, đánh giá ưu nhược điểm của từng phương thức đào tạo giáo viên để có kiến nghị hợp lý; hoàn thành xây dựng chương trình khung đào tạo khối ngành sư phạm cho giai đoạn sau 2010, các cơ sở đào tạo giáo viên hoàn thành việc điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non sau năm 2015; xác định mạng lưới các trường nòng cốt đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ cho giáo viên phổ thông./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực