Thư viện “Hạnh phúc” của một cán bộ Đoàn

Thứ sáu, 01/04/2022 09:58
(ĐCSVN) - Thanh niên thời kỳ CNH-HĐH hiện nay, đa số mong ước mình thành đạt trên lĩnh vực phát triển kinh tế hoặc sớm thành đạt trên con đường học vấn...Còn chàng thanh niên Hoàng Quang Khải, Phó Bí thư chi đoàn thôn Đoan Khê lại mong ước thư viện “Hạnh phúc” của mình ngày càng có nhiều độc giả để góp phần lan tỏa văn hóa đọc trên quê hương Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên.
Hoàng Quang Khải (áo kẻ) cho các độc giả mượn sách. 

Sinh năm 1996, tốt nghiệp THPT, phát huy truyền thống quê hương Lạc Đạo anh hùng, Hoàng Quang Khải vào bộ đội. Rời quân ngũ, Khải đi làm công nhân ở vài công ty. Thời gian ngày nghỉ, Khải đọc sách, thế rồi từ cảm hứng cuốn sách với nội dung: Để đạt được hạnh phúc chính là nhờ đọc sách để học tập, vận dụng tri thức của nhân loại vào cuộc sống, Khải thấy rất hay rồi nảy ra ý định lập thư viện mang tên “Happiness”: Hạnh phúc. Với suy nghĩ là sưu tầm nhiều loại sách và cho mượn miễn phí để nhiều người trong thôn, trong xã mượn đọc rồi từ đó họ sẽ học được nhiều điều hay từ những cuốn sách góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc, tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng quê hương Lạc Đạo ngày càng giàu mạnh. Tuy nhiên, việc lập thư viện của Khải lúc đầu gặp khó khăn đó là đồng lương công nhân thấp và không được sự ủng hộ của bố, mẹ nhưng với bản lĩnh của một người lính thì khó khăn nào nếu quyết tâm thì sẽ vượt qua. Một thuận lợi cho việc lập thư viện Happiness đó là bà Nội của Khải rất ủng hộ, bà thấy đó là một việc làm rất ý nghĩa; (Bà đã từng là thành viên của chiếu chèo Đoan Khê trước đây), nay vẫn tiếp tục tham gia công tác Hội Người cao tuổi của thôn, bà  ủng hộ việc lập thư viện này đó là để căn nhà của ông, bà nội Khải ở trung tâm thôn đối diện với nhà văn hóa – cho Hoàng Quang Khải làm thư viện. Được sự ủng hộ của bà nội, nên mặc dù lương thấp Khải đã dành dụm và vay thêm tiền để làm thư viện. Sau 2 năm 2017-2018, thư viện với diện tích gần 20 m 2 trên tầng 2 được trang trí đẹp, ánh sáng đèn vàng, điều hòa... với gần 1000 đầu sách các loại được hoàn thành, trị giá hơn 100 triệu đồng. Hoàng Quang Khải kể: “Để sưu tầm được nhiều sách hay giá cả hợp lý, cháu đã lên Hà Nội tới Văn Miếu Quốc Tử Giám, các hội sách ở công viên Thống Nhất để lựa chọn. Nhớ nhất là hôm mua sách xong thì xe bị thủng săm phải dắt bộ một đoạn dài mới có chỗ vá để đi về, tuy vất vả nhưng thấy vui vì mua được nhiều sách”. Năm 2019, thư viện Hạnh Phúc đi vào hoạt động là nơi cho nhiều thanh, thiếu nhi đến đọc vào các ngày thứ bảy, Chủ nhật. Mỗi ngày có từ 10-15 người đến đọc. Các loại sách được nhiều độc giả hay mượn nhất là sách thiếu nhi. Cháu Nguyễn Ngọc Đại, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Lạc Đạo cho hay: “Cháu thích nhất là truyện cổ tích, thám tử…từ đọc truyện đã giúp cháu giải tỏa bớt căng thẳng trong học tập để cháu học tốt hơn. Qua các câu chuyện, cháu học tập được nhiều mẹo vặt, cách thoát khỏi bắt cóc…”. Còn cháu Hoàng Trung Hiếu, một độc giả quen thuộc của thư viện Happiness vui vẻ nói: “Cháu rất thích đọc DOREMON, Shin-cậu bé bút chì… nhiều câu truyện khá nhiều tập, nhưng cháu lần lượt mượn đọc hết, nội dung nhiều truyện rất hay đã giúp cháu học tập đạt kết quả tốt hơn. Năm nay cháu xếp thứ 5 trong lớp”.

Thời gian qua, nhằm giúp thư viện Happiness phong phú thêm các đầu sách, Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh huyện phối hợp với Thư viện tỉnh Hưng Yên đã luân chuyển hơn 200 đầu sách các loại cho Hoàng Quang Khải, đồng chí Đoàn Ngọc Chỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh huyện Văn Lâm cho biết: “Về góc độ chuyên môn thì thư viện của thanh niên Hoàng Quang Khải là phòng đọc. Việc duy trì được phòng đọc tư nhân miễn phí như thế này là rất quý, bởi hiện nay mạng xã hội facebook, zalo có phần lấn át văn hóa đọc. Để khuyến khích Hoàng Quang Khải chúng tôi tiếp tục phối hợp với Thư viện tỉnh, hàng năm thực hiện việc luân chuyển sách nhằm góp phần giúp phòng đọc luôn có các đầu sách mới, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các độc giả”.

Đồng chí Trần Văn Khanh, Bí thư Huyện đoàn trao đổi với Hoàng Quang Khải
Qua một số phương tiện thông tin đại chúng, thấy việc làm tốt của thanh niên 9X, có một số cá nhân ở các tỉnh, thành đã ủng hộ thư viện Happiness hàng chục đầu sách các loại.

Từ khi có dịch covid, nên độc giả chủ yếu đến mượn mang về nhà đọc. Khải cho biết: “Để duy trì thư viện này và tạo thuận lợi cho các độc giả cháu đã mở phòng đọc cả ở tầng 1 và bán thêm 1 số loại hoa, quả, sản phẩm thảo dược…Cháu đã không đi làm công ty nữa mà dạy YOGA để tăng thu nhập nhằm đầu tư thêm các loại sách mà các độc giả hay đọc”.

Từ kết quả hoạt động của thư viện Happiness, Hoàng Quang Khải đã được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hưng Yên tặng giấy chứng nhận: Thanh niên có lối sống đẹp năm 2020.

Có thể nói, từ thư viện Happiness của Hoàng Quang Khải đã góp phần làm cho văn hóa đọc ở xã Lạc Đạo nói riêng và huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên nói chung ngày càng lan tỏa. Để thư viện này phát huy hiệu quả cao hơn, đồng chí Nguyễn  Mạnh Hưng, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Lạc Đạo cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, một cán bộ đoàn duy trì được thư viện này chúng tôi rất trân trọng. Thời gian tới Đoàn thanh niên xã sẽ cùng với Hội đồng đội tuyên truyền tới các liên đội ở Trường THCS và Trường Tiểu học để ngày càng nhiều thanh, thiếu niên tới thư viện Happiness mượn sách nhằm lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc tại địa phương”. Trao đổi với đồng chí Trần Văn Khanh, Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn Văn Lâm nhấn mạnh: “Từ hiệu quả của thư viện Happiness, Đoàn thanh niên huyện Văn Lâm sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nhân rộng mô hình này hơn nữa; tăng cường các mối quan hệ để góp phần giúp thư viện thêm nhiều đầu sách và có thể làm công tác xã hội hóa để hỗ trợ một phần tiền điện cho thư viện, nhất là khi có nhiều độc giả đến đọc vào mùa hè khi hết dịch, thư viện cần bật điều hòa để duy trì mở cửa vào thứ 7 và chủ nhật”.

Chia tay chàng thanh niên trẻ, tôi hỏi: Ước muốn của Khải bây giờ là gì? Khải tươi cười, khiêm tốn nói: “Cháu có 2 ước muốn, thứ nhất là thư viện tiếp tục được sự quan tâm của các tập thể, cá nhân để tăng thêm số đầu sách, nhất là sách thiếu nhi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc sách của thanh, thiếu niên xã Lạc Đạo nói riêng và huyện Văn Lâm nói chung. Ước muốn thứ hai đó là có người bạn đời cùng sở thích để tăng thêm người nhằm tăng cường hoạt động của thư viện”.

Một cán bộ đoàn cơ sở học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã có việc làm đầy ý nghĩa trong trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, thật đáng biểu dương./.

Cao Văn Khởi - Trung tâm chính trị Văn Lâm, Hưng yên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực