Truyền thống hiếu học của dòng họ Dương xã Lạc Đạo

Thứ năm, 23/02/2023 14:17
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ, nhất là cụ Trạng nguyên Dương Phúc Tư, nhiều thế hệ con cháu họ Dương xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã thi đua học tập và đỗ đạt cao. Mấy năm qua, có 02 cháu của dòng họ đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ.

Cụ Dương Văn Tú, Trưởng họ cho biết: “Hàng năm, vào ngày rằm tháng giêng, họ Dương xã Lạc Đạo tổ chức họp giỗ Tổ và trao thưởng cho con cháu. Nhân dịp này, các thế hệ con cháu được ôn lại truyền thống khoa bảng của họ Dương qua các thời kỳ. Từ năm 1547-1754 họ Dương ở Lạc Đạo rất thịnh vượng về khoa cử, gồm có Trạng nguyên Dương Phúc Tư và 8 Tiến sĩ là Dương Thuần, Dương Hoàng, Dương Khuông, Dương Hạo, Dương Lệ, Dương Công Thụ, Dương Khiêm và Dương Sử”. Để lưu giữ truyền thống khoa bảng và nhằm giáo dục, khuyến khích con cháu thế hệ sau về tấm gương hiếu học của các cụ, họ Dương xã Lạc Đạo đã xây dựng nhà bia, khắc bia đá từng Tiến sĩ, ghi rõ năm đỗ tiến sĩ ở thời Vua nào; làm quan đến chức nào và công lao của các cụ góp phần xây dựng các triều đại Phong kiến Việt Nam. Qua đó, con cháu có sự hiểu về từng Tiến sĩ và quyết tâm học tập để góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dòng tộc.

Cụ Dương Văn Tú - Trưởng họ, đọc công trạng các Tiến sĩ cho các con cháu nhân ngày giỗ Tổ 15 tháng Giêng.

Một trong những thế hệ con cháu đã viết tiếp truyền thống khoa bảng dòng họ là Tiến sĩ Dương Văn Tuyển, thôn Ngọc xã Lạc Đạo, đỗ Tiến sĩ Y tế công cộng, Trường Đại học Y khoa Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) năm 2016. Luận án của Dương Văn Tuyển với đề tài: “Năng lực sức khỏe: Nghiên cứu Quốc tế tại châu Á và Đài Loan” (Health Literacy: International Studies in Asia and Taiwan). Hiện nay, Luận án được hầu hết các nước Châu Á và một số nước trên Thế giới sử dụng là bộ công cụ để đánh giá năng lực sức khỏe người dân và cơ sở y tế. Cùng với đó, tiến sĩ Dương Văn Tuyển có nghị lực phấn đấu rất cao nên đã giành nhiều giải thưởng (14 giải thưởng quốc tế và cấp quốc gia), trong đó có thể kể đến Giải thưởng quốc tế về năng lực sức khỏe Yufong năm 2017, Giải thưởng của Chủ tịch Hiệp hội năng lực sức khỏe châu Á năm 2018, Hiệp hội kiến thức y tế châu Á, Geneva, Thụy Sĩ (AHLA); Giải thưởng cho báo cáo viên trẻ tại Hội nghị thường niên về năng lực sức khỏe lần thức 10, năm 2018, tại Hoa Kỳ (HARC); Giải thưởng nghiên cứu viên trẻ năm 2020, Hiệp hội Học thuật vì sức khỏe cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương năm 2020 (APACPH), và nhiều giải thưởng khác.

Ông Dương Văn Thuyết, Chủ tịch Hội đồng họ Dương Văn Lâm, trao phần thưởng cho các cháu họ Dương đỗ Đại học năm 2022 nhân ngày giỗ Tổ.

Chia sẻ với tôi, tiến sĩ Dương Văn Tuyển tươi cười nói: “Có được những kết quả đó, tôi luôn học tập và làm việc với 5 tiêu chí đó là: Trước hết phải có lòng biết ơn (thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo, cha mẹ, dòng họ), tôn trọng người khác và thành quả của người khác, có đạo đức tốt (nhất là trong nghiên cứu), nhận về thì phải cho đi”.

Hỏi chuyện ông Dương Văn Bình, bố của Tiến sĩ Tuyển cho tôi biết: “Chúng tôi là những nông dân, trước đây do hoàn cảnh khó khăn nên không đi học được. Thấy các con chăm chỉ học tập, nên đã phải ăn dè hà tiện để tạo điều kiện thuận lợi, động viên các con phát huy truyền thống dòng tộc cố gắng học tập. Hơn nữa đất nước đổi mới, hội nhập là cơ hội để mở mang kiến thức. Kết quả, 3 con tôi đều đỗ Đại học và Dương Văn Tuyển là anh cả có chí hướng đỗ đạt cao nhất, còn em thứ hai là Dương Đức Chiện, thạc sĩ ngành kỹ thuật móng công trình, Đại học Mỏ địa chất; em thứ ba cũng vào Đại học Mỏ địa chất. Gia đình tôi được tặng danh hiệu: “Ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” của tỉnh Hưng Yên”

Qua quá trình phấn đấu, năm 2019, Dương Văn Tuyển được phong Phó Giáo sư và giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lực sức khỏe châu Á. Được sinh ra và lớn lên trên quê hương Lạc Đạo anh hùng, người con dòng họ Dương từ cái “tâm” của mình luôn nghĩ về quê hương, đất nước. Hiện nay, với cương vị công tác của mình Dương Văn Tuyển đã phối hợp với hơn 30 Bệnh viện và Trung tâm y tế, hơn 10 Trường Đại học có khoa Y ở Việt Nam để triển khai các công trình nghiên cứu và đào tạo về nghiên cứu khoa học. Việc làm này góp phần vào sự phát triển, hội nhập với ngành y tế với châu lục và thế giới.

Dương Văn Tuyển nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Y khoa Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) năm 2016. 

Họ Dương xã Lạc Đạo thời nay có Tiến sĩ thứ hai là Tiến sĩ Dương Văn Quân, sinh năm 1980, tại thôn Mụ, xã Lạc Đạo, hiện đang giữ chức vụ Phó Trưởng khoa, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Bộ Công an. Tiến sĩ Dương Văn Quân bảo vệ luận án Chuyên ngành tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, năm 2017, tại Học viện An ninh nhân dân. Luận án của Tiến sĩ Dương Văn Quân nghiên cứu về lĩnh vực bảo vệ ANQG, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Hiện nay luận án đã được các đơn vị thực tiễn của ngành Công an áp dụng trong công tác bảo đảm An ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và được các Học viện, trường Công an nhân dân sử dụng trong nghiên cứu, giảng dạy.

Thông qua trao đổi, Tiến sĩ Dương Văn Quân cho biết: “Mỗi lần về quê hương xã Lạc Đạo, em luôn thấy tự hào vì dòng họ Dương có nhiều công lao hiển hách, đặc biệt là cụ Dương Phúc Tư đã đỗ Trạng nguyên năm 1547 đời Mạc Tuy Tông và làm quan tới chức Binh bộ Thượng Thư. Bản thân rất tự hào vì được là con cháu của họ Dương, nên em luôn cố gắng phấn đấu, học tập, noi gương các cụ của dòng họ để góp phần tô thắm thêm truyền thống hiếu học của dòng tộc. Bên cạnh đó, em được sinh ra trong gia đình bố là bộ đội, mẹ là giáo viên, do đó em được bố, mẹ luôn động viên, dạy dỗ và định hướng đúng đắn trong quá trình học tập, công tác. Ngay từ khi học cấp THPT, bố mẹ định hướng em chọn khối A và em thích học tại Học viên An ninh nhân dân, phấn đấu trở thành cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân để góp phần bảo đảm bình yên cho cuộc sống của nhân dân. Mặc dùthời điểm năm 1998, Học viện An ninh thường có điểm trúng tuyển cao hơn so với một số trường Đại học khác. Thế rồi, quyết tâm học tập, nỗ lực phấn đấu, kết quả thi Học viện An ninh nhân dân em đã đạt 28,5 điểm, đủ điểm vào ngành mình đã chọn. Sau khi ra trường công tác, trước sự phát triển của đất nước, để đáp ứng tốt hơn với yêu cầu nhiệm vụ, cá nhân em đã có sự cố gắng trong học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Biết là để nghiên cứu, bảo vệ được luận án Tiến sĩ là rất khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cá nhân và sự hướng dẫn, giúp đỡ của các thầy, cô giáo, các cán bộ làm công tác thực tiễn; sự quan tâm, tạo điều kiện của Học viện An ninh nhân dân, của các nhà khoa học; sự động viên của đồng nghiệp, gia đình, bạn bè em đã quyết tâm và bảo vệ thành công Luận án của mình vào năm 2017”.

Dương Văn Quân trong ngày bảo vệ Luận án Tiến sĩ. 
Tiếp bước các đàn anh đi trước, thế hệ trẻ họ Dương ở Lạc Đạo đang thi đua học tập tốt ở các nhà trường từ Trung học cơ sở đến Trường Đại học. Hàng năm, họ Dương có nhiều cháu đỗ Đại học, nhiều cháu học giỏi. Các cháu đỗ Đại học dưới 20 điểm được thưởng 1 triệu, từ 20-24 điểm thưởng 2 triệu, từ 25-28 điểm thưởng 3 triệu, trên 28 điểm được thưởng 5 triệu. Qua đó, góp phần khích lệ các cháu phấn đấu đỗ điểm cao. Đến nay, họ Dương xã Lạc Đạo có hơn 100 cháu đỗ Đại học, nhiều học sinh giỏi, xuất sắc…như em Dương Văn Khanh, năm 2022 thi Đại học được 27,24 điểm đỗ vào Đại học Giao thông vận tải-là một trong những học sinh đỗ điểm cao được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen. Cháu Dương Nguyễn Hải Nam, học sinh lớp 9 Trường THCS chất lượng cao Dương Phúc Tư, 3 năm liền từ lớp 6 đến lớp 8 cháu đều là học sinh giỏi của trường. Cháu phấn khởi cho biết: “Cháu tự hào là con cháu họ Dương và cụ Trạng nguyên Dương Phúc Tư lại được trường mang tên, nên cháu luôn phấn đấu học tập tốt để noi gương cụ. Cháu học giỏi nhất môn toán, vừa qua được 8,7; ước mơ của cháu sẽ làm kỹ sư xây dựng hoặc thiết kế mỹ thuật”. 

Nhằm đẩy mạnh lĩnh vực giáo dục và phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, lãnh đạo huyện Văn Lâm đã quyết định lấy tên cụ Trạng nguyên Dương Phúc Tư đặt tên cho trường THCS chất lượng cao của huyện. Tự hào ngôi trường THCS chất lượng cao được mang tên Trạng nguyên Dương Phúc Tư như một sự khích lệ cho thầy trò nhà trường luôn thi đua phấn đấu “dạy tốt-học tốt”. Cô Phạm Thanh Yên, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “20 năm qua, vinh dự với tên trường được mang, thầy trò nhà trường luôn đoàn kết, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học để mỗi năm học đạt được những thành tích cao nhất. Kết quả, học sinh giỏi luôn đạt trên 70%, trong đó có hơn 900 học sinh giỏi cấp tỉnh, 60 học sinh giỏi cấp Quốc gia. Trường luôn trong tốp đầu của tỉnh và đã được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc năm học 2019-2020; Bằng khen của Bộ Giáo dục và đào tạo năm 2021-2022 và nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND các cấp. Phát huy kết quả đó, trường đang đặt ra mục tiêu phấn đấu sớm đạt Huân chương lao động trong thời gian tới”.

Cô Phạm Thanh Yên Hiệu Trưởng Trường THCS chất lượng cao Dương Phúc Tư đón nhận bằng khen của Bộ giáo dục và đào tạo năm học 2021-2022.

Cô giáo Dương Phương Nhung-một trong những giáo viên trẻ của trường và là con cháu cụ Dương Phúc Tư, năm vừa qua đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh cho biết sẽ quyết tâm góp phần cùng với nhà trường đạt thành tích ấy, đó là sẽ đem hết sự nhiệt huyết của mình để dạy đội tuyển Văn của trường đạt giải cao của tỉnh ngay từ năm học này.

Cùng với sự phấn đấu của thầy trò trường THCS chất lượng cao Dương Phúc Tư và các thế hệ con cháu cụ Trạng nguyên đãgóp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung của huyện nhà. Ông Dương Văn Thuyết, Chủ tịch Hội đồng họ Dương huyện Văn Lâm cho biết: “Họ Dương ở xã Lạc Đạo có nhiều Chi đã làm tốt công tác khuyến học cho các cháu học sinh từ Tiểu học đến THPT, còn tại nhà thờ cụ Trạng nguyên Dương Phúc Tư, phát phần thưởng cho các cháu đỗ Đại học, sinh viên ra trường. Năm nay, họ Dương xã Lạc Đạo có 17 cháu đỗ các trường Đại học. Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động họ Dương ở 11 xã, thị trấn của huyện không chỉ công tác khuyến học mà còn có hoạt động hướng nghiệp. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với họ Dương tỉnh Hưng Yên và họ Dương toàn quốc để các hoạt động họ Dương tại xã Lạc Đạo nói riêng và huyện Văn Lâm nói chung đạt kết quả cao hơn”.

Một dòng họ có nhiều khoa bảng và các thế hệ con cháu ngày nay tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học và đã được thành tích cao trong học tập, công tác. Dòng họ Dương xã Lạc Đạo có nhà thờ cụ Trạng nguyên Dương Phúc Tư, năm 2007 đã được tỉnh Hưng Yên cấp bằng di tích lịch sử văn hóa. Hiện nay, dòng họ đang làm tờ trình các cấp có thẩm quyền xem xét cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cao Văn Khởi, Trung tâm chính trị Văn Lâm, Hưng Yên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực