An Phú phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023

Thứ ba, 16/05/2023 17:58
(ĐCSVN) - Những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) huyện An Phú (tỉnh An Giang) có nhiều khởi sắc, nhiều chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch năm, tạo đà tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế- xã hội (KT-XH) năm 2023. Niềm vui được nhân lên khi xã Phước Hưng đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Đa Phước được thành lập.

Tổng diện tích xuống giống vụ đông xuân 2022-2023 trên địa bàn huyện An Phú được 15.666ha (lúa 14.052ha, màu 1.614ha), đạt 100% kế hoạch. Nông dân phấn khởi khi lúa “trúng mùa, trúng giá”, năng suất bình quân 8,5 tấn/ha, giá bán từ 6.500-6.800 đồng/kg. Huyện An Phú tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa công ty, doanh nghiệp với nông dân để đảm bảo đầu ra nông sản. Nông dân Trần Văn On (xã Phước Hưng) phấn khởi: “Vụ đông xuân vừa rồi làm rất hiệu quả, năng suất rất tốt mà giá cao hơn mấy vụ trước, ai cũng phấn khởi vì có thêm thu nhập”. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 178 tỷ đồng, đạt 26,1% so kế hoạch, tăng 3,61% so cùng kỳ. Doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú ước đạt 1.596 tỷ đồng, đạt 27,05% so kế hoạch, tăng 1,09% so cùng kỳ. Giá trị hàng xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu 372 triệu USD, đạt 24,8% so kế hoạch, tăng 2,4% so cùng kỳ năm 2022.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị trấn Đa Phước.

Toàn huyện có 64 danh mục công trình đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn nhà nước do cấp tỉnh và huyện quản lý, kế hoạch vốn 213,9 tỷ đồng (huyện đối ứng 9 danh mục công trình). Huyện thực hiện hoàn thành 31 danh mục công trình, đang thực hiện 12 danh mục công trình, còn lại 21 danh mục công trình chưa triển khai thi công; đã giải ngân hơn 16,34 tỷ đồng, đạt 7,64% so kế hoạch.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được chú trọng; Cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy ở các điểm trường cơ bản được đảm bảo, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm. Các cơ sở giáo dục luôn chú trọng công tác tuyên truyền lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trong các hoạt động chuyên môn và ngoại khoá. Tổ chức thành công các Hội thi như Hùng biện tiếng Anh, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp huyện và lựa chọn học sinh tham gia kỳ thi cấp tỉnh và đạt giải cao. Đã giải quyết việc làm cho khoảng 3.600 lao động, đạt 85% so kế hoạch. Thực hiện tốt việc chăm lo cho người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội, giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định. Hoàn thành chính sách hỗ trợ người điều trị COVID-19, cách ly y tế; hỗ trợ thêm đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (hỗ trợ 9.619 trường hợp, kinh phí khoảng 12,56 tỷ đồng). Hoàn thành chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đối với 797 trường hợp, số tiền hơn 2,39 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, từ năm 2022 đến cuối tháng 4/2023 toàn huyện đã xây dựng được 03 khu nhà ở Đại đoàn kết liền kề tại thị trấn An Phú, thị trấn Đa Phước và xã Vĩnh Hội Đông với kết cấu bê tông cốt thép, mái lợp tôn, đã xét duyệt và bố trí cho 115 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn không có nhà ở có được nơi ở ổn định, an tâm làm ăn, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai xây dựng thêm các khu nhà Đại đoàn kết liền kề ở các xã  Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu và Phú Hữu,… Công tác dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quan tâm, các chính sách về dân tộc luôn được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời...

 Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện An Phú Ngô Công Thức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho các hộ dân.

Xác định giữ vững ổn định biên giới là nhiệm vụ trọng yếu, huyện tăng cường giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự xã hội, an toàn giao thông. Giữ vững tuyến biên giới ổn định, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thân thiện với chính quyền và các lực lượng phía nước bạn Campuchia. Duy trì trao đổi thông tin với 3 huyện của Campuchia giáp biên, nhằm tăng cường hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị trên tuyến biên giới và công tác phòng, chống dịch bệnh...

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, ngành, xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023. Quan điểm của Huyện ủy, UBND huyện và hệ thống chính trị xác định nông nghiệp vẫn là nền tảng của kinh tế huyện. Đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các xã, thị trấn tăng cường phối hợp các ngành liên quan thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn.

 Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp phát biểu chỉ đạo

Trước hết, quản lý chặt chẽ quy hoạch các vùng nuôi trồng cây, con, kết nối để đảm bảo tiêu thụ hàng hóa nông sản. “Kết nối các doanh nghiệp đến làm việc để thống nhất ký kết hợp đồng tiêu thụ xoài. Lượng xoài trên địa bàn huyện rất lớn, nếu rớt giá như hiện nay thì ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Ngoài ra, kết nối tiêu thụ lúa, rau màu, trái cây… để đảm bảo đầu ra cho bà con. Lưu ý, nâng chất hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp, nơi nào không đảm bảo hoạt động theo luật thì kiên quyết giải thể và phát triển thêm các hợp tác xã mới theo đúng quy định để bảo vệ quyền lợi xã viên, nông dân” -  ông Trần Hòa Hợp nhấn mạnh.

Cùng với đó, tăng cường khai thác các nguồn thu đúng quy định, chủ động tạo nguồn lực đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công. “Phải chủ động ngay từ đầu, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân các nguồn vốn. Các xã tăng cường quan tâm các danh mục công trình theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phối hợp đảm bảo trình tự, thủ tục, hồ sơ và tiến độ. Tăng cường kiểm tra trật tự xây dựng, kiên quyết giải tỏa lòng lề đường, trật tự vỉa hè để đảm bảo phát triển đô thị trong tương lai” - ông Trần Hòa Hợp lưu ý.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp yêu cầu các ngành, xã, thị trấn tập trung thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ, rà soát dữ liệu dân cư, sớm hoàn thành cấp căn cước công dân, định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến… Đảm bảo an toàn giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát để kéo giảm cả 3 tiêu chí. Giữ vững an ninh biên giới, vừa tạo điều kiện cho nhân dân qua lại làm ăn, mua bán, nhưng phải đảm bảo quy chế và an ninh biên giới…

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực