Bài 2: Vai trò của kinh tế hợp tác xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Loạt bài: THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC XÃ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
Thứ ba, 28/03/2023 10:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
​(ĐCSVN) - Từ thực tế các hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả, nên giờ đây việc phải hình thành được hợp tác xã đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong hệ thống các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, hợp tác xã đang dần trở thành một trong những thiết chế không thể thiếu để cấu thành nên bộ mặt kinh tế - xã hội ở nông thôn Việt Nam.

Bài 1: Chuyện về những hợp tác xã, tổ hợp tác “ăn nên làm ra” ở vùng dân tộc thiểu số

 Mô hình hợp tác xã gắn liền với khu định cư tập trung ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (ảnh: TQ)

Những đóng góp của hợp tác xã vào quá trình xây dựng nông thôn mới

Theo phân tích của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã (HTX) Việt Nam, kinh tế HTX ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) có những đóng góp sau:

Thứ nhất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động

Khu vực kinh tế này thu hút hơn 3,7 triệu thành viên, chiếm 37% tổng số thành viên HTX trên cả nước, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn; tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu lao động. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới ở vùng DTTS & MN đều có tổ hợp tác (THT) hoặc HTX hoạt động và đây là thành phần kinh tế có tác động tích cực đến thực hiện tiêu chí thu nhập ở nông thôn.

Thứ hai, thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động

Tham gia THT, HTX, người dân dần loại bỏ những phong tục lạc hậu, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, để tập trung sản xuất ở quy mô lớn hơn, theo tiêu chuẩn cao hơn. Hầu hết người nông dân tham gia vào THT, HTX được đào tạo cách thức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, thực hiện sản xuất gắn với chuỗi giá trị, có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó giảm chi phí sản xuất từ 8 - 15% nhưng lại tăng thu nhập từ 14 - 18%/năm.

Nhà nước còn hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ quản trị và lao động nông thôn có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, kỹ thuật sản xuất, công nghệ... Nhiều HTX có đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ cao, có khả năng quản trị hiệu quả, đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của HTX.

Thứ ba, tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao.

Các HTX đã tích tụ, tập trung được hơn 1 triệu ha đất để sản xuất quy mô lớn, hiệu quả hơn, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Một số tỉnh phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu, điển hình như: Sơn La, Gia Lai, Phú Yên... Ở nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, HTX là đơn vị chủ trì xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, sắp xếp, bố trí sản xuất cho thành viên… Nhiều HTX đã đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lao động tăng 3 - 5 lần. Một số HTX sử dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại.

Thứ tư, tạo ra liên kết giữa các HTX, giữa HTX với doanh nghiệp để sản xuất gắn với chuỗi giá trị

Nhiều HTX đã liên kết với các tập đoàn kinh tế như Lavifood, TH True milk, Tín Thành, Đồng Giao ứng trước vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi để tạo vùng nguyên liệu tập trung cung ứng cho các nhà máy, cơ sở sản xuất; ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, xử lý môi trường; tiêu thụ sản phẩm, tạo vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp vùng DTTS & MN.

Điển hình như các HTX tại tỉnh Sơn La, Bắc Giang đã liên kết với các doanh nghiệp tạo thành chuỗi cung ứng các loại quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Một số sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như xoài tượng da xanh của HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, tỉnh Sơn La sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Úc.

Thứ năm, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giữ gìn bản sắc dân tộc

Hầu hết các HTX đã trích một phần lãi để xây dựng đường giao thông, điện, kênh mương thuỷ lợi, trường học, nhà trẻ, trạm y tế, nhà văn hoá... Các thành viên HTX đã góp công sức và vật liệu, hỗ trợ phương tiện vận tải, vật liệu để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng ở nông thôn.

Nhiều HTX phát triển sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như các HTX du lịch cộng đồng, du lịch homestay ở Lào Cai, Sơn La... đã kết hợp du lịch với mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống như thuốc tắm truyền thống, thổ cẩm, tinh dầu, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống.

Thứ sáu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Các HTX môi trường, HTX nước sạch, HTX y tế, HTX trường học, HTX lâm nghiệp đã góp phần phát triển ngành nghề và dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế của các địa phương, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống của người dân; góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển bền vững... Các HTX thuỷ, hải sản còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta.

Trong một số lĩnh vực, HTX còn tạo thêm nhiều ngành nghề phát triển kinh doanh tổng hợp nhằm giải quyết nhu cầu, lợi ích chính đáng của thành viên và người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động... trên tinh thần hợp tác, tương thân, tương ái, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng DTTS & MN.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, thực tiễn xây dựng nông thôn mới vùng DTTS & MN thời gian qua cho thấy, phát triển kinh tế tập thể, HTX là một tiêu chí quan trọng trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và có liên quan mật thiết đến các tiêu chí còn lại như: giảm nghèo, thu nhập, môi trường, khoa học, công nghệ...; là yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, là nòng cốt trong việc thực hiện các mô hình sản xuất theo quy hoạch; thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân; triển khai các đề án, dự án trong xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của các thành viên HTX trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS & MN.

 Tỷ lệ hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chế biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số 

 Cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế HTX ở vùng DTTS & MN

Theo xu hướng chung, cơ cấu kinh tế của các tỉnh vùng DTTS & MN đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch chậm, lao động chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp theo quy mô hộ gia đình, sản xuất phân tán, kỹ thuật canh tác nhìn chung kém phát triển.

Giá trị sản xuất của các tỉnh vùng DTTS & MN hiện vẫn được cấu thành chủ yếu từ nông, lâm nghiệp. Đó cũng là lý do vì sao 65% số doanh nghiệp, HTX ở vùng DTTS & MN hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản.

Vùng DTTS & MN hiện có gần 3,7 triệu hộ, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước, 86% dân số DTTS sống ở nông thôn. Sinh kế của đồng bào DTTS chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp. Tỷ trọng lao động có việc làm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là 72,3%, cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. 20/53 dân tộc có chỉ tiêu này cao trên 95%.

Đối với đồng bào DTTS, đất sản xuất quý hơn vàng vì liên quan trực tiếp đến sinh kế nhưng tình trạng không có hoặc thiếu đất sản xuất đang diễn ra phổ biến. Cả nước đang còn gần 83.000 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất, với diện tích cần 29.593 ha.

Xuất phát từ những khó khăn về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, trình độ kinh tế - xã hội, dân trí chưa cao… vùng DTTS & MN dù có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn bị hạn chế về khả năng hấp dẫn, thu hút đầu tư của khối doanh nghiệp lớn.

Theo nghiên cứu của TS. Lương Văn Khôi, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia, khoảng 98% doanh nghiệp và đầu tư của doanh nghiệp vào vùng DTTS & MN là doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào khu vực I (khu vực bước đầu phát triển), tiếp đến là khu vực II, trong khi rất cần thu hút vào khu vực III (khu vực đặc biệt khó khăn) lại chiếm tỷ lệ rất thấp.

Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Mô hình kinh tế này được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc các thành viên cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.

Tuy nhiên, tỉ trọng các HTX, doanh nghiệp, cơ sở chế biến vùng DTTS & MN so với toàn quốc vẫn còn khiêm tốn (5,9%). Vì vậy, dù đã có những thành quả ban đầu nhưng đóng góp của khu vực HTX, THT chưa cao.

Phát triển kinh tế HTX là nhu cầu khách quan, bởi vùng DTTS & MN có điều kiện về diện tích, khí hậu, thổ nhưỡng... để phát triển nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Vấn đề là diện tích canh tác nông, lâm nghiệp và mặt nước phân bố không đều. Phần lớn hộ dân có diện tích canh tác nhỏ hơn 0,8ha. Chỉ có tổ chức sản xuất theo mô hình THT, HTX thì mới tập trung được ruộng đất, giúp nông dân có điều kiện đảm bảo sản xuất đủ số lượng và chất lượng, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Mặt khác, THT, HTX kiểu mới được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, công bằng, dân chủ, minh bạch sẽ là cầu nối giúp hộ cá thể và người dân huy động các nguồn lực về tài chính, đất đai, nhân lực, khoa học công nghệ, thông tin kinh tế , khả năng tiếp thị, nghiên cứu thị trường… phục vụ cho phát triển. Thúc đẩy HTX phát triển sẽ đóng góp cho phát triển KT - XH vùng DTTS & MN - ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam khẳng định./.

Bài cuối: Cần phát triển kinh tế hợp tác xã theo hướng liên kết chuỗi giá trị và kinh tế tuần hoàn

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực