|
F&B là ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 (Ảnh: BTC). |
F&B là ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch COVID-19. Ngay cả khi dịch bệnh kết thúc, ngành hàng này vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi về cách thức kinh doanh và hành vi khách hàng trong tình hình mới.
Trong bối cảnh đó, ngày 15/12, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế IFC tổ chức hội thảo “Tài trợ chuỗi cung ứng: giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu sự đứt gãy của chuỗi cung ứng ngành F&B Việt Nam” trong đó tập trung vào phân tích, thảo luận về thực trạng hiện tại của ngành F&B; cơ hội và thách thức, định hướng phát triển; các chính sách hỗ trợ…Thông qua đó, hội thảo đã đưa ra những giải pháp thực tiễn, đề xuất chính sách và chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế giúp doanh nghiệp ngành F&B vượt qua giai đoạn khó khăn này và tiếp tục phát triển.
|
Các điểm cầu dự Hội thảo qua zoom (Ảnh chụp màn hình) |
Sự kiện được tổ chức trực tuyến trên nền tảng zoom với sự tham gia của các đại biểu Bộ, ngành trung ương, các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư, hiệp hội chuyên ngành, các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài trợ chuỗi…
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA), Chủ tịch Vietravel Holding chia sẻ, F&B là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Food and Beverage Service”, có nghĩa là dịch vụ ăn, uống. Đây là một ngành có vai trò đặc biệt quan trọng, nó hiện diện, gần gũi với mỗi con người trong trong xã hội, là một trong những cầu nối quan trọng, hiệu quả nhất để đưa hình ành của 1 quốc gia ra thế giới.
Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh thứ 3 trong khu vực Châu Á về chi tiêu cho thực phẩm, F&B chiếm tỷ trọng cao nhất trong chi tiêu của người Việt, chiếm 35% chi tiêu hàng tháng và 15% GDP cả nước, con số này vẫn dự kiến sẽ phát triển trong những năm tới. Trên toàn quốc, hiện đang có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống, 20.000 tiệm cafe và hơn 80.000 nhà hàng đang hoạt động theo chuỗi.
Theo ông Kỳ, các doanh nghiệp ngành F&B cần rà soát, hoàn thiện các qui trình để quản lý kinh doanh tốt hơn, nhân lực tinh giản, hoạt động hiệu quả hơn, sẵn sàng cho quá trình hồi phục sau COVID; số hóa để tối ưu hóa qui trình kinh doanh, cải thiện năng suất của công ty và cải thiện trải nghiệm với khách hàng, thông qua các giải pháp công nghệ, cụ thể là tạo ra sự tương tác nhanh chóng và thuận tiện hơn giữa khách hàng và công ty; đẩy mạnh các hình thức bán hàng online; phát triển các mô hình tổ chức tiệc outside (ngoài phạm vi nhà hàng); duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nguồn khách hàng trung thành, giảm giá bán, tiết giảm chi phí tối đa…
|
Banner Hội thảo (Ảnh chụp màn hình) |
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, với ngành F&B, với những khó khăn của dịch bệnh, để phục hồi, cần mang đến những trải nghiệm độc đáo tại các không gian nhà hàng đặc biệt, đa dạng phong cách cho khách hàng cũng như mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ trong phương thức vận chuyển và tiếp cận với khách hàng. Dịch bệnh vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cùng nhìn nhận lại và tái cơ cấu nhằm hoạt động tốt hơn.
Theo khuyến nghị tại Hội thảo, nhiều đại biểu đồng tình rằng, cần phải đảm bảo tính hiệu quả và thiết thực nhất của các gói hỗ trợ đối với doanh nghiệp chuyển đổi kinh doanh, chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong ngành F&B, sự thống nhất trong chính sách từ Trung ương xuống cơ sở, các giải pháp hỗ trợ như: giảm VAT cần kéo dài hơn, hoàn thuế và hoặc cho doanh nghiệp mượn lại mức đóng thuế làm vốn quay vòng để khôi phục…
Dịp này, ông Đào Gia Hưng, đến từ Ngân hàng VP Bank đã chia sẻ câu chuyện của phía ngân hàng từ lúc dịch bệnh bùng phát, đi từ lúng túng, hoảng sợ rồi đến đồng hành cùng doanh nghiệp với nhiều câu chuyện hỗ trợ với cách thức gia hạn nợ và cấu trúc nợ cho doanh nghiệp, giảm sức ép cho doanh nghiệp…
Các đại biểu cũng cùng nhau trao đổi, phân tích kỹ hơn về tác động của COVID đối với sự phát triển của ngành ẩm thực, những cơ hội và thách thức với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp F&B; Giải pháp tài chính và vai trò của nền tảng điện tử quản lý chuỗi trong tài trợ chuỗi cung ứng cùng các giải pháp cụ thể của ngân hàng và công ty công nghệ tài chính trong tài trợ chuỗi cung ứng…
Hầu hết đại biểu đều nhất trí cao rằng, các doanh nghiệp F& B mong đợi những chính sách hỗ trợ tín dụng của nhà nước như: cung cấp những gói cho vay với lãi suất đặc biệt; bảo lãnh cho các tổ chức tín dụng cả trong nước và quốc tế cho các doanh nghiệp F&B vay với lãi suất 0%, VCCA chịu trách nhiệm giới thiệu những doanh nghiệp đủ uy tín và năng lực để trả nợ; khoanh nợ, không tính lãi trong những giai đoạn phù hợp; gia hạn các khoản vay với thời gian đủ dài để doanh nghiệp có cơ hội hồi phục…