Cảnh báo về thuốc kháng sinh Tetracyclin giả

Chủ nhật, 03/07/2022 21:02
(ĐCSVN) - Cục Quản lý Dược cảnh báo về thuốc kháng sinh Tetracyclin giả; cháu bé 9 tuổi nghi bị bố và bà nội bạo hành; gần 40 người thương vong trong vụ tai nạn xe buýt nghiêm trọng tại Pakistan là những tin đáng chú ý trong ngày 03/7.

Phát hiện, ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc viên nén TETRACYCLIN 250mg giả

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các địa phương cảnh báo về thuốc kháng sinh Tetracyclin giả.

Cục Quản lý Dược cho biết, căn cứ Công văn số 85/TTKN-KH ngày 10/06/2022 đính kèm Phiếu kiểm nghiệm số 440/2022 ngày 10/6/2022 và Biên bản lấy mẫu xác định chất lượng của Trung tâm kiểm nghiệm Thanh Hóa về sản phẩm trên nhãn ghi: Viên nén TETRACYCLIN 250mg, SĐK: VD-30127-18, lô SX: 092019, NSX: 180919, HD: 180923; Công ty TNHH MTV 120 Armepharco. Mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu Định tính, Định lượng (Không có hoạt chất).

Hình ảnh phân biệt thuốc thật và thuốc giả - Ảnh: Cục Quản lý Dược

Cùng với căn cứ vào mẫu sản phẩm trên nhãn ghi Viên nén TETRACYCLIN 250mg nêu trên do Trung tâm Kiểm nghiệm Thanh Hóa gửi đến Cục Quản lý Dược; Căn cứ các Công văn số 44/CV-120 đề ngày 16/6/2022; số 45/CV-120 ngày 22/06/2022 và số 50/CV-120 ngày 27/6/2022 của Công ty TNHH MTV 120 Armepharco báo cáo tình hình sản xuất, phân phối lô thuốc Viên nén TETRACYCLIN 250mg, SĐK: VD-30127-18, lô SX: 092019, NSX: 180919, HD: 180923 và một số tài liệu liên quan.

Sau khi đối chiếu, xem xét, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về thuốc giả trên nhãn ghi: Viên nén TETRACYCLIN 250mg, SĐK: VD-30127-18, lô SX: 092019, NSX: 180919, HD: 180923; Công ty TNHH MTV 120 Armepharco có các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt với thuốc thật như sau:

Về đối chiếu thông tin trên nhãn, thuốc thật có dòng chỉ định: Giữa dấu “:” và chữ “xem” không có khoảng cách; Dòng cách dùng: Giữa dấu “:” và chữ “Uống” không có khoảng cách; Dòng Nhiễm trùng do Streptococcus: Chữ “Streptococcus” in nghiêng; Dòng Tiêu chuẩn: Giữa dấu “:” và chữ “DĐVN IV” không có khoảng cách.

Thuốc giả có dòng chỉ định: Giữa dấu “:” và chữ “xem” có khoảng cách; Dòng cách dùng: Giữa dấu “:” và chữ “Uống” có khoảng cách; Dòng Nhiễm trùng do Streptococcus: Chữ “Streptococcus” không in nghiêng. Dòng Tiêu chuẩn: Giữa dấu “:” và chữ “DĐVN IV” có khoảng cách.

Về viên thuốc, thuốc thật: nét khắc chữ "T X" sắc nét; viên thuốc màu vàng xanh; thuốc giả: nét khắc chữ "T X" không sắc nét, viên thuốc màu vàng.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm viên nén TETRACYCLIN 250mg giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên.

Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn; xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm viên nén TETRACYCLIN 250mg giả nêu trên, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc viên nén TETRACYCLIN 250mg giả. Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và nguồn gốc lô thuốc giả về Cục Quản lý Dược.

Phát hiện nhiều vết thương trên người cháu bé 9 tuổi

Ngày 3/7 lãnh đạo UBND xã Ea Ning (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đã nhận được đơn phản ánh về vụ việc cháu Trần Nhật A (sinh năm 2013), ở cùng bà nội và cha ruột tại thôn 18, xã Ea Ning bị đánh đập, bạo hành. Người làm đơn trình báo là bà L.T.T (bà ngoại cháu A.) – cùng ngụ thôn 18, trình báo Công an xã về việc cháu A. bị cha ruột và bà nội đánh đập, hành hạ. 

Trên người cháu A. đang có nhiều vết thương -  Ảnh: gia đình cung cấp 

Theo phản ánh trong đơn, cha mẹ cháu A. ly hôn năm 2013, khi cháu còn nhỏ nên cháu về sinh sống với mẹ và ông bà ngoại. Lúc đó, mẹ A. được quyền nuôi con, phía cha A. có trách nhiệm chu cấp mỗi tháng 500.000 đồng cho đến khi con 18 tuổi. Tuy nhiên, cha A. chỉ chu cấp được 4 tháng rồi dừng từ đó đến nay. Cách đây 8 tháng, mẹ A. đi làm ở thành phố Đà Nẵng, cháu A. muốn về sinh sống với cha nên gia đình bên ngoại đồng ý.

Thời gian đầu, ngày cuối tuần, cháu A. được cho phép về chơi với nhà ngoại. Đến tháng 4/2022, khi cháu A. về ngoại chơi thì gia đình ngoại phát hiện trên người cháu có nhiều vết thương bầm tím. Sau đó, ông bà ngoại gọi điện hỏi bà nội thì bà nội cháu A. nói do cháu không nghe lời nên bị đánh. Kể từ đó, cháu A. không được về nhà ngoại nữa.

Cũng trong tháng 4/2022, cô giáo của cháu A. nhắn tin và gửi một số hình ảnh cháu bị thương trên người và cả đầu ngón tay. Theo lời kể của cháu, bà nội lấy búa đinh đập, lấy dao cứa vào các đầu ngón tay vì cháu đã lấy mì tôm ăn sống mà không xin phép.

Đến ngày 2/7, bà ngoại đi chợ ngang qua nhà bà nội thì cháu A. ở trong nhà chạy ra khóc nói bà ngoại cho cháu về, ở nhà bà nội toàn bị đánh. Lúc này, bà ngoại phát hiện trên người cháu nhiều vết thương khác nhau. Sau đó, bà ngoại nhờ Công an và chính quyền thôn đến làm chứng để đưa cháu về. Xác định những vết thương trên người là do cha và bà nội cháu gây ra, đây không phải là lần đầu cháu bị đánh nên gia đình bên ngoại đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Làm việc với báo chí, ông Trần Văn Dũng (cha cháu A.) thừa nhận những vết thương trên người cháu là do cha và bà nội A. gây ra. Nguyên nhân do cháu thường xuyên quậy phá, đi ăn trộm và trèo lên mái điện mặt trời nghịch ngợm. Nguyên nhân cháu A. bị dập đầu các ngón tay, ông Dũng cho biết, vào tháng 4/2022, cháu A. trèo lên mái điện mặt trời nghịch nên bà nội dùng cây gõ vào đầu các ngón tay, chứ không phải lấy búa đánh như phản ánh của gia đình bên ngoại.

Cùng ngày, lãnh đạo UBND xã cùng công an xã xuống nhà bà ngoại cháu A. để xác minh sự việc. Dự kiến ngày 4/7, lãnh đạo xã cùng Công an xã sẽ làm việc với bà nội và cha đẻ cháu A. Khi có kết quả điều tra, xử lý, UBND xã sẽ báo cáo cấp trên và thông tin tới cơ quan báo chí.

Ít nhất 19 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn ở Pakistan

Chuyển thi thể nạn nhân trong vụ tai nạn xe khách ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan, ngày 3/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN 

Ngày 3/7, giới chức Pakistan cho biết ít nhất 19 người đã thiệt mạng và 14 người bị thương khi một xe khách lao xuống vực gần thị trấn Danisar của huyện Sherani, thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.

Vụ việc xảy ra khi xe khách chở 30 người đang trên đường từ thủ đô Islamabad tới thủ phủ Quetta của tỉnh Balochistan. Truyền thông địa phương đưa tin tài xế đã bị mất lái do điều khiển xe di chuyển với tốc độ cao trong điều kiện trời mưa. Xe khách sau đó đã bị lật vài vòng và rơi xuống vực sâu. Các nạn nhân đã được chuyển tới bệnh viện. Cảnh sát cho biết nhiều khả năng số người thiệt mạng sẽ còn tăng lên khi một số người đang trong tình trạng nguy kịch.

Pakistan thường xuyên ghi nhận các vụ tai nạn giao thông do đường sá chất lượng kém, phương tiện ít được bảo dưỡng và tình trạng lái xe ẩu. Tháng trước, ít nhất 22 người đã thiệt mạng khi một xe khách cỡ nhỏ lao xuống vực tại tỉnh Balochistan./.

Cẩm Linh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực